Công văn gửi đến các Sở Giáo dục và Đào tạo ngày 18/2 nêu rõ căn cứ tình hình Covid-19 tại địa phương sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến về việc cho học sinh đi học hay nghỉ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị trong thời gian học sinh ngừng đến trường, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến qua Internet, trên truyền hình. "Nội dung dạy học trực tuyến phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học; cách thức tổ chức linh hoạt phù hợp với điều kiện của địa phương và cơ sở giáo dục, đảm bảo hiệu quả", văn bản nêu.
Ngoài ra, các địa phương cần nắm bắt tình hình học sinh đi học sau Tết, đặc biệt là các em vùng dân tộc thiểu số, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, để từ đó có giải pháp hỗ trợ dạy và học trực tuyến, phương án bồi dưỡng, phụ đạo học sinh khi đi học trở lại.
Trong đợt bùng phát Covid-19 từ ngày 28/1 đến nay, cả nước ghi nhận 755 ca lây nhiễm cộng đồng ở 13 tỉnh, thành, trong đó có 9 học sinh, sinh viên và một giáo viên mắc Covid-19. Hiện, gần 50 địa phương cho học sinh nghỉ học tập trung để phòng dịch. Nhiều nơi đã triển khai dạy học trực tuyến qua Internet trong khi một số địa phương chưa tổ chức cho đến hết tuần này.
Nhờ kinh nghiệm dạy và học trực tuyến ở kỳ II năm học trước, các nhà trường, phụ huynh và cả học sinh đều có sự chuẩn bị nhất định về cả cơ sở vật chất và tinh thần cho việc học trực tuyến lâu dài. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 ngày 4/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo toàn ngành kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy trực tuyến, "làm chắc chắn và chất lượng hơn năm ngoái".