Tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sáng 25/7, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Ban chỉ đạo yêu cầu địa phương cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi trong sáng nay. Các tỉnh phải sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn, tránh việc bị chìm tại khu neo đậu như ở Quảng Bình trong cơn bão Talas.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị - nơi dự kiến tâm bão đi qua, cần sơ tán dân trên lồng bè, vùng thấp trũng đến nơi an toàn, hoàn thành trước 16h ngày 25/7.
Thực tế, từ chiều qua các tỉnh đã cấm biển. Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh thông tin, hiện có trên 6.000 tàu với hơn 17.000 lao động neo đậu an toàn; các tàu còn lại chưa vào bờ nhưng nhận được thông tin. Tỉnh đã cử cán bộ giám sát, cấm đi lại tại điểm nguy cơ sạt lở, công trình xung yếu như Hố Hô, Kẻ Gỗ.
Tại Quảng Bình, đến sáng nay không còn tàu hoạt động trên biển, tất cả đã vào khu neo đậu tránh trú bão. Tỉnh chỉ đạo rà soát mực nước tất cả hồ chứa để đảm bảo an toàn cắt lũ khi mưa lớn.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho biết đã đưa hơn 2.000 tàu thuyền vào nơi trú ẩn, còn 18 thuyền với 180 lao động neo ở Quảng Nam, Đà Nẵng. “Chiều nay chúng tôi sẽ kiểm tra việc di dời dân, cắt cử người túc trực ở điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở để cảnh báo dân”, ông Chính nói.
Hiện Quảng Trị có 22.000 ha lúa trong giai đoạn trổ đòng, tỉnh đã yêu cầu các địa phương mở cống tiêu thoát nước để đảm bảo an toàn cho lúa, nếu không làm tốt tiêu úng nguy cơ thiệt hại lúa rất cao.
Dù không nằm trong khu vực chịu tác động trực tiếp của bão, nhưng theo ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND Nghệ An, tỉnh đã cấm biển từ 17h hôm qua. Hiện còn 19 tàu với 95 lao động trên đường về nơi tránh trú. Tỉnh cũng đã hoãn tất cả cuộc họp để tập trung phòng chống bão.
Nghệ An có 625 hồ chứa, trong đó 263 hồ đã đầy nước, số còn lại đạt 70-80% dung tích. Với số hồ đầy nước, tỉnh chỉ đạo theo dõi để đảm bảo an toàn hồ đập, những hồ nào không an toàn, không cho tiếp tục tích nước.
Kết luận cuộc họp, Trưởng ban chỉ đạo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương không được chủ quan, cần chủ động phương án đối phó. "Chỉ trong 10 ngày miền Trung đón liên tiếp 2 cơn bão. Đây là vùng dốc, lại rơi vào vụ hè thu nên có rất nhiều nguy cơ khi bão và mưa xảy ra”, ông Cường nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh trong vùng ảnh hưởng của bão cần cưỡng chế tất cả lao động ở trên tàu vào bờ tránh bão. Ban quản lý các hồ cần có phương án kiểm tra, cảnh báo, lưu ý đảm bảo an toàn với hồ thủy điện, xả đúng quy trình, thông báo cho hạ du nếu xả lũ.
Ngư dân Quảng Trị đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, 10h hôm nay, tâm bão Sonca cách Hà Tĩnh - Quảng Trị 150 km, sức gió mạnh nhất đạt cấp 8, giật tăng 1-2 cấp. Dự báo trong 3 giờ tới, bão theo hướng tây tây bắc, vận tốc 15 km/h, ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.
Bão Sonca hình thành ngày 21/7 từ áp thấp nhiệt đới ở biển Đông, hai ngày sau mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão thứ tư ở biển Đông trong năm nay. Trong đó bão thứ nhất và thứ ba đổ bộ Trung Quốc, bão thứ hai Talas đổ bộ vào Nghệ An - Hà Tĩnh rạng sáng 17/7 gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.