Gần một tuần sau khi Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba - Nguyễn Thái Luyện và em trai bị bắt, văn phòng của doanh nghiệp này trên đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức, TP HCM) vẫn mở cửa đón khách. Sáng 24/9, nhiều khách hàng mang theo chứng từ nộp tiền đến yêu cầu thanh lý hợp đồng và thăm dò thông tin.
Trong sân và sảnh văn phòng, hầu hết nhân viên của doanh nghiệp này không mặc đồng phục như trước đây. Tuấn, nhân viên môi giới, cho biết chưa nghỉ việc ngày nào từ khi công ty xảy ra sự cố. Công việc chính trong thời gian này là "nghe điện thoại, trấn an khách hàng và dọn dẹp văn phòng".
Trả lời VnExpress về kế hoạch trong thời gian tới, đại diện truyền thông của Địa ốc Alibaba cho biết, ban lãnh đạo và nhân viên công ty đang tập trung sắp xếp hoạt động, đồ đạc trong văn phòng nên chưa thể thông tin chi tiết.
Chia sẻ trên trang cá nhân, bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại và đào tạo, cho hay công ty vẫn làm việc bình thường, không bị niêm phong hay đóng cửa như tin đồn. "Sản phẩm vẫn còn nhưng hoạt động bán hàng tạm ngưng để tập trung chăm sóc khách hàng hiện tại tốt hơn. Bộ phận kế toán cũng ngưng thu tiền của khách, thông báo thời gian đóng tiền sau", bà Như nói.
Trao đổi với VnExpress, đại diện công an phường Hiệp Bình Chánh, cho hay Công ty Alibaba đã tiến hành thủ tục trả mặt bằng thuê làm trụ sở.
Tại huyện Long Thành (Đồng Nai), hai văn phòng Công ty cổ phần địa ốc Alibaba ở xã Long Phước nằm mặt tiền quốc lộ 51 và ở xã Phước Thái, được cho là nơi "đóng quân" của các công ty "chân rết" nhiều ngày nay cũng đóng cửa. Bảng hiệu Alibaba lớn treo trước văn phòng bị gỡ xuống vài ngày trước, trong khi 2 công ty bất động sản khác cùng toà nhà vẫn để bảng. Còn văn phòng ở phường Tân Tiến, TP Biên Hòa cũng đã khóa chặt.
Sau khi các văn phòng đóng cửa, nhiều nhân viên của Alibaba ở Đồng Nai đã bỏ về quê hoặc chuyển qua làm môi giới bất động sản tự do. "Tôi không bênh vực công ty vì từ khi vào làm chưa có khách hàng nào đến phàn nàn hay mất tiền. Nay công ty nghỉ thì chuyển sang làm môi giới đất bên ngoài", một nữ nhân viên nói. Người này cho biết bản thân cũng mua 4 lô đất với giá hơn 1 tỷ. "Nay chỉ chờ công an kết luận và sẽ trả lại tiền thôi", nữ nhân viên nói.
Tại xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu), văn phòng rộng gần 500 m2 của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã đóng cửa và buộc xích cẩn thận. Bên trong ba bộ bàn ghế được xếp ngay ngắn - nơi hàng chục nhân viên làm việc, tiếp khách hàng mua đất gần một năm qua. Vài tấm poster, tài liệu bán hàng bỏ lại ở góc văn phòng.
Sáng hai ngày trước, nhiều nhân viên đến thu dọn đồ đạc rời đi. Người phụ nữ thuê quầy bán cà phê, thức ăn bên hông trái văn phòng đã trả lại mặt bằng. Phía sau khu đất Alibaba rao bán nền, nhiều căn nhà tiền chế cũng đã được tháo dỡ, chở đi.
Ở đây còn sự hiện diện của ba người đàn ông mặc thường phục giới thiệu là nhân viên bảo vệ. Họ cho biết, từ sau khi những người đứng đầu Công ty cổ phần Alibaba bị bắt, rất băn khoăn có tiếp tục công việc hay không.
"Tuy nhiên phía công ty vẫn trả lương đầy đủ nên tôi ở lại bảo vệ tài sản cho họ", một bảo vệ nói và cho biết, hai ngày sau khi các nhân viên rời đi, vài người ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương mua đất của Alibaba đến đây thắc mắc, ông đã khuyên họ đến công an làm đơn trình báo.
Sự việc chính quyền thị xã Phú Mỹ cưỡng chế các khu đất Công ty cổ phần địa ốc Alibaba vào tháng 6 và 7 khiến nhiều nhân viên bán hàng người địa phương lo ngại nhảy việc. Những người bám trụ lại hầu hết do đã đầu tư vào công ty.
"Tôi có một nửa và vay mượn người thân tổng hơn 500 triệu đồng mua nền nên phải cố bám trụ lại công ty đến phút chót. Giờ tôi rất lo lắng và mong sao nhanh được trả lại tiền để trả nợ và tính đường làm ăn", nam nhân viên nói.
Phước Tuấn - Đăng Khoa