Tôi làm trong ngành quản lý đô thị được 5 năm và tôi có cảm nhận riêng về vấn đề hàng rong trong đô thị.
Gánh hàng rong thật sự là cánh mưu sinh cho biết bao nhiêu người mẹ nuôi nấng con thành tài. Thậm chí, vợ tôi cũng từng một thời vừa đi học, vừa buôn bán thuốc lá dạo ở trung tâm gần nhà thờ Đức Bà để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Nhưng với sự phát triển về kinh tế ở các đô thị tập trung, nhất là ở các khu trung tâm Quận 1, TP HCM là nơi tập trung phần lớn các thành phần kinh tế, dịch vụ, nơi tham quan của nhiều du khách quốc tế thì vấn đề hàng rong lúc này trở thành mối cạnh tranh không lành mạnh đối với kinh tế và có thể biến chất, lôi kéo, chặt chém giá đối với khách du lịch.
Vì khu trung tâm là khu kinh tế cao nên đa phần người làm công ở đây đều được hưởng mức lương cao. Từ đó sinh ra các dịch vụ như ăn uống, giải trí, vui chơi...để phục vụ nhóm người này.
Tuy nhiên, hàng rong ở đây cạnh tranh không lành mạnh với nhóm dịch vụ có đóng thuế, chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm mà mình làm ra.
Cụ thể ở những gánh hàng rong, bạn có thể mua 1 ly nước với giá khoảng 10.000 đồng. Tuy nhiên, với 1 quán nước có đăng ký kinh doanh, phải thuê mặt bằng thì giá không dưới 20.000 đồng.
Như vậy, bạn sẽ bỏ 10.000 hay 20.000 đồng để uống một ly nước? Hay như chuyện bạn mua một bó rau muống ở người bán rau dạo với giá 3.000 đồng, nhưng mua trong siêu thị không có giá dưới 5.000 đồng và tiền gửi xe 1.000 đồng? Bạn sẽ chọn 3.000 hay 6.000?
Người bán giá 3.000 đồng xong thì bỏ đi nơi khác, nếu bạn ăn vào bị ngộ độc thực phẩm, ai sẽ chịu trách nhiệm? Hơn nữa, nếu người làm dịch vụ mà không cạnh tranh được với số người bán hàng rong thì trước sau họ cũng cụt vốn, trở thành người nghèo rồi lại đi bán hàng rong. Nghèo vẫn hoàn nghèo!
Trước khi tôi làm quản lý đô thị, tôi từng ăn một dĩa bánh bèo của người bán dạo, sau đó bị tiêu chảy làm tốn tiền thuốc cả trăm ngàn. Sau đó tôi tự nhủ bản thân là không bao giờ ăn hàng rong nữa.
Trong công việc hiện nay, việc bán hàng rong không đảm bảo vệ sinh là chắc chắn. Nguyên nhân: hàng rong không có tủ chứa, chế biến ngoài đường, thậm chí trên cả nắp cống, gần nhà vệ sinh công cộng.
Nước thì không có hoặc có mà rất ít cho nên việc rửa chén dĩa không sạch hay đơn giản là rửa tay (nhất là đối với người bán gánh dạo) là chuyện tất nhiên.
Có lần tôi thu gom xe đẩy tay hàng rong bán trái cây. Trong tủ là các loại trái cây trông tươi ngon (được trả lại cho người bán), tôi và đồng nghiệp phụ nhấc tủ trái cây trên xe xuống lề đường giúp người bán (do tủ rất to và nặng, phải 4 nam khỏe mạnh mới nhấc nổi).
Nhưng sau đó, tay tôi dính một chất nhờn từ nước trái cây đọng lâu ngày, bốc mùi kinh khủng, phải rửa tay bằng xà phòng mới hết. Lúc người bán lấy các vật dụng trong xe bán trái cây ra thì ôi thôi là gián và cái mùi của ổ gián xông lên, lúc này tôi và đồng nghiệp đều né ra vì cái mùi hôi kinh khủng này.
Khi đi thực tập gần đường Lê Thánh Tôn (tôi làm ban ngày, học vào ban đêm), tôi có nói chuyện với một chị bán nước lề đường. Biết tôi làm quản lý đô thị, chị vẫn tươi cười nói chuyện và kể thêm cho tôi biết về việc gánh dừa chặt chém khách du lịch.
Với một người bán nước bình thường, 1 trái dừa có giá từ 12.000 đồng - 15.000 đồng (giá tại ghe bên quận 8 là 3.500 - 4.000 đồng/trái). Tuy nhiên, khi bán cho khách du lịch nước ngoài thì gánh dừa có giá "hữu nghị": 50.000 - 100.000 đồng/trái. Và câu chuyện này tôi được nghe đến cả chục lần trong suốt quá trình thực tập.
Chính vì vậy việc cấm hàng rong trong khu vực trung tâm thành phố theo tôi là hoàn toàn hợp lý. Điều này giúp xóa các tụ điểm tập trung buôn bán lấn chiếm lề đường, xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh, đồng thời tạo cảnh quang, môi trường lành mạnh cho khách du lịch, không bị quấy rối, chặt chém.
Phạm Hồng Thái
Chia sẻ những câu chuyện về đời sống xã hội của bạn tại đây.