Cơn ho có khi liên tục hơn một giờ, chủ yếu vào buổi sáng. Bác sĩ Hồ Trí Thức, Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 18/11, cho biết phim X-quang ghi nhận hình ảnh bất thường của giãn phế quản, chụp CT phát hiện dị vật trong lòng phế quản bên phải của bé.
Sau khi gắp mảnh đồ chơi ra ngoài, bé hết ho, ăn uống, sinh hoạt bình thường trở lại và được xuất viện.

Hình ảnh dị vật mắc kẹt trong phế quản và sau khi được gắp ra ngoài. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1
Theo bác sĩ Thức, dị vật đường thở là trường hợp những vật lạ xâm nhập vào đường thở. Dị vật có thể gây biến chứng ngạt thở cấp tính, nếu không kịp thời xử trí cấp cứu sẽ dẫn đến tử vong.
"Dị vật cũng có thể gây biến chứng lâu dài khi không gây bít hoàn toàn đường thở, không có triệu chứng xâm nhập nên không phát hiện ra", bác sĩ Thức phân tích. Trường hợp này, trẻ qua cơn khó thở nhưng dị vật vẫn ở trong đường hô hấp, có thể xuống sâu dưới phổi gây ho kéo dài, viêm phổi tái diễn.
Dị vật có thể là chất lỏng (cháo, sữa) hoặc chất rắn (hạt các loại trái cây, mẫu đồ chơi...). Trẻ hóc dị vật do thói quen ngậm thức ăn hoặc đồ chơi vào miệng và có thể bị hóc khi khóc, cười, chạy nhảy hoặc do ăn uống không cẩn thận. Một số trường hợp, trẻ hóc do bố mẹ cho uống thuốc nguyên viên, không nghiền nát.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên cẩn trọng lựa chọn đồ chơi phù hợp lứa tuổi. Thuốc uống cho trẻ dưới 3 tuổi nên là thuốc bột, siro hoặc thuốc viên nghiền nhỏ. Quan sát trẻ trong lúc ăn uống, không nên cho trẻ vừa ăn vừa cười giỡn, chạy nhảy hoặc ép trẻ ăn khi đang khóc.
Khi trẻ có triệu chứng viêm phổi tái diễn và ho kéo dài, nên nghĩ đến một nguyên nhân đó là dị vật đường thở bỏ quên.