![]() |
Bơ và pho mát là các thực phẩm kiêng kỵ đối với người bị dị ứng với protein sữa. |
Đa số trường hợp dị ứng thức ăn là do bất dung nạp thực phẩm (phản ứng bất lợi do một loại thức ăn nhất định hoặc thành phần của thức ăn đó gây ra). Nguyên nhân bất dung nạp thực phẩm có thể là do cơ địa, thiếu men, do tác dụng dược lý của thực phẩm, cơ chế kích thích, cơ chế tương tác thuốc... Cà phê, trà, cá ngừ, pho mát, nấm men bia, xúp lơ xanh (broccoli), cà chua, nem chả... là những thực phẩm chứa nhiều chất có tác dụng dược lý, có thể gây dị ứng.
Ngoài ra, hiện tượng dị ứng thực phẩm cũng có thể do yếu tố tâm lý, hoặc do ăn quá nhiều một loại thực phẩm (trẻ ăn nhiều gan gà có thể ngộ độc vì thừa vitamin A, người ăn nhiều thực phẩm chứa fructoza có thể tiêu chảy...).
Các biểu hiện lâm sàng thường gặp của dị ứng thực phẩm là nổi mề đay, phù niêm, viêm mũi dị ứng, nôn, đau bụng và nặng nhất là sốc phản vệ. Dị ứng thực phẩm cũng khiến các bệnh lý dị ứng có sẵn như chàm, hen... trở nên nặng hơn.
Trong điều trị dị ứng thực phẩm, điều quan trọng nhất là loại trừ thực phẩm gây dị ứng. Thông thường, thực phẩm cần được loại trừ trong 7-14 ngày, tùy thuộc vào loại thực phẩm, độ tuổi bệnh nhân... Các triệu chứng dị ứng với sữa, trứng thường tự hết, còn dị ứng với lạc, hạt điều, cá, nghêu sò... thường kéo dài. Đối với dị ứng sữa bò, 80% trẻ hết dị ứng khi tròn tuổi và hầu hết không còn dị ứng sau 3 tuổi.
Cần kiêng hoàn toàn thực phẩm hoặc thành phần thực phẩm gây dị ứng. Chẳng hạn, người dị ứng với protein sữa bò không những phải kiêng các loại sữa mà còn phải nhịn tất cả các chế phẩm từ sữa như bơ, pho mát, kem, sữa chua, bánh flan, chocolate... Để không mua nhầm các thực phẩm chứa thành phần gây dị ứng, bệnh nhân phải học cách đọc nhãn hiệu bao bì thực phẩm. Khi cần loại trừ một loại thực phẩm, cần cân nhắc bằng cách tìm hiểu lịch sử bệnh lý một cách nhất quán và làm các test thử nghiệm.
Để đề phòng suy dinh dưỡng do kiêng các thức ăn gây dị ứng, cần cân đối bữa ăn bằng các thực phẩm thay thế khác. Người bị dị ứng với protein sữa bò không cần kiêng thịt bò, người dị ứng với trứng không cần kiêng thịt gà, thịt vịt. Trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) dị ứng với protein sữa bò cần chuyển sang sữa đậu nành (cũng có thể gây dị ứng) hoặc loại sữa mà protein đã được thủy phân một phần thành polypeptides.
Thuốc ít có hiệu quả trong điều trị dị ứng thực phẩm, ngoại trừ hai trường hợp sau:
- Phản ứng dị ứng ở đường tiêu hóa: Dùng Natri Cromoglycate, uống 20 phút trước khi ăn thực phẩm gây dị ứng.
- Có khả năng xảy ra sốc phản vệ, gây nguy hiểm đến tính mạng: Tiêm adrenalin dưới da trong vòng 3 phút sau khi dùng thức ăn gây dị ứng.
Đối với các trường hợp khác, thuốc ít có giá trị; bệnh nhân có thể dùng các thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ và tác dụng nhanh như terphenadine.
Thanh Niên