![]() |
Bọ bụi nhà. |
Bọ bụi nhà có tên khoa học là Acarien (Pháp) hay House dust mite (Anh), thuộc lớp nhện, ngành chân khớp. Bọ có hình trứng, hơi dài, thân có lông, có 8 chân gồm nhiều đốt. Thời gian sống trung bình của bọ nhà là 3 tháng, điều kiện tối ưu để chúng phát triển là ở nhiệt độ 25 độ C, độ ẩm 80%. Trong mẫu bụi nhà người ta đã phát hiện được hơn 130 loài bọ thuộc 27 họ. Bọ nhà có khả năng gây mẫn cảm dị ứng được chia làm 2 loại: bọ bụi nhà và bọ bụi kho.
Người dị ứng với bọ bụi nhà có thể sống một thời gian dài mà không có biểu hiện lâm sàng, trong khi thử bằng nghiệm ứng da vẫn dương tính. Xác của các loại bụi nhà này bay vào mũi, mồm, bám vào da, tạo nên yếu tố kích thích, khơi mào cho các bệnh viêm dị ứng nếu kết hợp với các yếu tố thuận lợi khác như gene di truyền, tiếp xúc với dị nguyên vượt quá ngưỡng, tinh thần căng thẳng, khí hậu, mất cân bằng cơ chế điều hòa miễn dịch...
Bệnh có thể biểu hiện ở mũi họng như ngứa mũi, hắt hơi từng tràng, chảy nước mũi trong, ngứa lan xuống họng hoặc lan lên mắt. Ở da, biểu hiện thường gặp là nổi các nốt ban đỏ, sẩn ngứa... trên da từng vùng tiếp xúc hoặc lan rộng toàn thân.
Sau khi được xác định bệnh, bác sĩ sẽ dùng các loại bụi nhà này làm dị nguyên để điều trị bệnh theo phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu. Họ tiêm vào cơ thể người bệnh chế phẩm dị nguyên được làm từ bụi nhà với thời gian điều trị từ 12 đến 60 tháng. Tuần thứ nhất, tiêm dưới da 2 mũi. Từ tuần 2 đến tuần 6, tiêm 1 mũi mỗi tuần. Từ tuần 7 đến tuần 12 tiêm, 2 tuần/mũi hoặc 1 mũi/tháng. Tùy theo tiến triển lâm sàng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc tăng dần.
Kết quả thu được rất khả quan. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào sự kiên trì của các bệnh nhân.
ThS Phạm Bích Đào, Sức Khỏe & Đời Sống