Ảnh chỉ mang tính minh họa: Cdn.wn.com. |
Khi gọi điện cho bác sĩ xin tư vấn, giọng cậu sinh viên tên Quang này lạc đi vì lo lắng. Cậu kể rằng, gần đây được mấy anh ở cùng phòng "đầu độc" bằng phim sex, cậu rất bức xúc nên đã tìm tới gái mại dâm để thử "trái cấm". Thế nhưng, do là lần đầu lóng ngóng nên chiếc bao cao su cậu dùng bị tuột ra trong khi hành sự và cậu cũng chẳng thay bao khác. Đến lúc hạ màn, cậu mới tá hỏa khi biết mình quên ví trong chiếc quần thay ra sáng nay ở phòng trọ. Cô gái bán hoa đùng đùng tức giận chửi mắng một hồi và buông câu chốt khiến cậu lo lắng: "Tôi bị HIV".
"Bác ơi, cứu cháu với, liệu cháu có bị mắc bệnh không. Hôm đó lại còn rơi vào ngày cô ta 'đèn đỏ' nữa chứ. Nếu nhiễm HIV thì cháu chết mất", Quang thổ lộ với bác sĩ.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Thái Hà, Hà Nội) cho biết, suốt cả tháng liền, ngày nào bà cũng nhận được điện thoại từ chàng trai trẻ này để xin tư vấn vì cậu ta quá hoảng loạn.
Gần đây, khi tư vấn trong một chương trình phát thanh trực tiếp về sức khỏe sinh sản, bà cũng gặp một trường hợp tương tự.
Cậu sinh viên 21 tuổi giọng run bần bật trong ống nghe kể rằng, mấy hôm trước, cậu được đám bạn rủ đi nhậu rồi hát karaoke. Hôm đó, vì quá say, cậu bị các chiến hữu nhốt vào phòng và để một cô tiếp viên "phục vụ" riêng.
"Cháu chỉ nhớ là cô ấy đã hôn vào 'của quý' của mình, sau đó, chúng cháu quan hệ và có sử dụng bao cao su... nhưng cháu say quá, không biết có chính xác như thế không nữa. Khi về nhà cháu đã rửa sạch sẽ bằng xà phòng rồi. Nếu cô đó nhiễm HIV, liệu cháu có bị lây bệnh không. Bây giờ cháu phải làm thế nào?", chàng trai cuống quýt hỏi han.
Mặc dù đã được bác sĩ tư vấn rằng nếu mọi việc xảy ra đúng như những gì cậu nhớ thì nguy cơ bị nhiễm HIV là ít và cậu có thể uống thuốc phơi nhiễm trong thời gian chờ đợi xét nghiệm, nhưng anh chàng vẫn không thể yên tâm.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết, đa số các trường hợp gọi điện hay xin tư vấn vì lo sợ mình nhiễm HIV sau khi có hành vi nguy cơ đều là các thanh niên trẻ. Phần lớn họ lo lắng sau khi quan hệ với gái mại dâm hay có "sự cố" vì quá say hoặc từng quan hệ với người đồng tính. Tuy nhiên, thực tế, không ít các quý bà cô đơn đi tìm "của lạ" hay những nam giới trung niên từng "ăn bánh trả tiền" cũng mang những lo lắng này.
Nhiều người, sau một lần mất ăn mất ngủ vì hoang mang như vậy đã bị ám ảnh đến nỗi sợ bị lây HIV trong cả những sinh hoạt hằng ngày.
Anh Nguyễn Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) sau một lần vui chơi tới bến trong một chuyến công tác ở Thanh Hóa đã sống trong tâm trạng nơm nớp, mệt mỏi suốt gần 6 tháng trời. Anh kể rằng, thật ra, đó không phải là lần đầu tiên anh đi "ăn bánh trả tiền". Tuy nhiên, lần ấy, vì quá chén, anh đã không sử dụng bao bảo vệ, rồi sau đó lại nghe nói cô gái phục vụ mình đã nhiễm HIV.
Những ngày sau đó, anh Mạnh phải tìm đủ mọi cách để "trốn" vợ. Anh lén đến một trung tâm y tế để kiểm tra nhưng được bác sĩ cho biết, dù đã bị lây bệnh thì xét nghiệm lúc này cũng chưa thể cho kết quả chính xác, mà anh cần đợi 3-6 tháng nữa. Suốt những ngày tháng đó, anh Mạnh thấy như có cái án tử hình đang treo trước mắt. Anh đang có mọi thứ: một gia đình hạnh phúc, công việc thăng tiến, anh mới 32 tuổi... Nếu bây giờ dính HIV, anh sẽ mất tất cả, và không biết phải đối diện với cuộc sống, với những người vẫn ngưỡng mộ và tin tưởng mình như thế nào.
Anh chờ đợi từng ngày, cuối cùng, khi bác sĩ khẳng định, chắc chắn không nhiễm, anh mới thở phào. Nhưng từ đó, anh trở nên sợ hãi bất cứ điều gì liên quan đến HIV. Nghe người ta đồn thổi những tin như đi xem phim có kẻ đâm kim tiêm dính máu vào tay hoặc tăm người HIV đã dùng rồi để lại... anh đều rùng mình và cảnh giác. Mỗi khi đến bệnh viện hay đi khám răng, gội đầu, cạo râu, anh đều cảm giác không an toàn. Anh cũng trở nên dị ứng với những cô gái bán hoa...
Bác sĩ Kim Dung cho biết, những người từng có hành vi nguy cơ (như quan hệ với gái mại dâm nhưng không dùng bao cao su hoặc bao bị rách) thường có tâm trạng như anh Mạnh. Có thể một lần đứng giữa ranh giới giữa cái "được" và cái "mất nên họ bị ám ánh như vậy.
Bà giải thích, khoảng 3-6 tháng sau khi HIV vào cơ thể, cơ thể sẽ tạo ra chất kháng thể chống lại (nhưng kháng thể này bất lực, không trị được HIV mà chỉ là dấu hiệu cho thấy có nhiễm virus này). Vì thế, nếu xét nghiệm trong thời gian trước đó, thì dù đã bị lây bệnh, cũng không thể biết.
Bác sĩ cho biết, trong giai đoạn cửa sổ - giai đoạn đã có virus HIV trong cơ thể nhưng các xét nghiệm chưa nhận biết được - thì người nhiễm vẫn có khả năng lây truyền virus cho người khác, thậm chí giai đoạn này nguy cơ lây nhiễm rất cao bởi virus đang được sản sinh ra một cách ồ ạt và mạnh mẽ.
Những biện pháp xử lý tại chỗ như rửa bộ phận sinh dục cũng có thể góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV nhưng không chắc chắn ngăn chặn được việc này. Với trường hợp không có nguy cơ lây nhiễm thì không cần điều trị dự phòng. Còn đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ cần đến các cơ sở y tế chuyên khám và điều trị HIV để được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc ARV liên tục trong một tháng.
"Thuốc này không thể tiêu diệt virus HIV nếu người đó đã bị nhiễm, mà chỉ có tác dụng ức chế làm virus này không nhân lên. Trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm chính xác, bạn cần tuyệt đối tránh thực hiện các hành vi nguy cơ lây nhiễm cho chính mình và người khác", bà Dung nói.
Vương Linh
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi