![]() |
Toàn cảnh tháp Chăm Mỹ Khánh. |
Tháng 4/2001, trong quá trình khai thác quặng titan tại xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Xí nghiệp khai thác quặng titan tình cờ phát hiện một công trình kiến trúc độc đáo nằm sâu dưới lòng đất - tháp Chăm Mỹ Khánh. Với những giá trị văn hóa lịch sử được tìm thấy, tháp Chăm Mỹ Khánh được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, từ khi khai quật đến nay, sự lúng túng trong chọn phương án bảo tồn của các cơ quan chức năng đã khiến cho di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Kể từ khi tháp Chăm Mỹ Khánh được phát hiện, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành một số biện pháp bảo vệ tạm thời như: xây dựng nhà che mưa nắng, khoanh vùng bảo vệ bằng thép B40, dựng nhiều cột gỗ nhằm chống nghiêng đổ, xây dựng vùng đê bao để chống sự lấp vùi trở lại của cát đối với tháp và ngăn chặn nước xói mòn... Các biện pháp tình thế trên chỉ bảo vệ được tháp trong một thời gian ngắn.
![]() |
Các bức tường bong tróc. |
Sờ tay vào các viên gạch thấy chúng đang bị mủn ra thành dạng bột. Phần bệ thờ Yoni của tháp bên trong, các viên gạch bị bong tróc, rơi vãi rất nhiều. Anh Huỳnh Xuân Bòn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Diên, cho biết, ý thức chưa tốt của nhiều người dân sống xung quanh vùng di tích cũng là nguyên nhân làm cho tháp có nguy cơ sụp đổ khi họ lấy đi các viên gạch xây tháp về nhà làm... vật kỷ niệm.
Sau khi tháp được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung được giao trách nhiệm tiến hành các phương án bảo vệ. Ban đầu, Phân viện dự định sẽ di dời tháp Chăm Mỹ Khánh lên một địa điểm cao hơn bằng cách nhờ “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy để tránh sự xâm thực của nước mặn cũng như ảnh hưởng của thời tiết. Tuy nhiên, dự định trên đã không thực hiện được do tháp đang trong tình trạng nghiêng lún, nứt và mục mủn, chỉ cần những va động mạnh sẽ sập hoàn toàn.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Phân viện, cho biết, sau lần làm việc mới nhất giữa Bộ Văn hoá - Thông tin và lãnh đạo tỉnh, các bên đã thống nhất lựa chọn dự án bảo tồn tháp Chăm Mỹ Khánh do Phân viện xây dựng với tổng kính phí 3 tỷ đồng. Các giải pháp chủ yếu là gia cố nền móng chân tháp, gia cường kết cấu chống sụp đổ công trình, bơm vữa hỗn hợp chống lún móng, bảo quản vật liệu xây dựng tháp... Tuy nhiên, đến giờ phút này dự án mới trong giai đoạn thành lập, khả năng phải đến năm 2005, công tác bảo tồn di tích văn hóa lịch sử này mới chính thức khởi động.
Mùa mưa bão ở Huế đang đến rất gần, công trình kiến trúc cổ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và khả năng sụp đổ hoàn toàn vào bất cứ lúc nào. Việc chống đỡ bằng các cột gỗ hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, nếu không tiến hành các phương án bảo vệ kịp thời thì tháp Chăm Mỹ Khánh sẽ rất dễ trở thành... đống gạch vụn. Điều mà người dân băn khoăn là tháp Chăm Mỹ Khánh được “bảo quản” rất an toàn khi nằm sâu dưới lòng đất trong suốt 12 thế kỷ, nhưng từ khi xuất lộ chỉ trong 3 năm, nó đã đứng trước một “cái chết” rất gần.
Mai Hương