Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xây dựng năm 1617, sau đó được con cháu đời sau nhiều lần tu sửa, mở rộng hoàn chỉnh.

Rêu phong, cây cối mọc um tùm quanh đền thờ Nguyễn Văn Nghi. Ảnh: Lê Hoàng.
Công trình tọa lạc trên diện tích 38.000 m2, nằm giữa cánh đồng xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn. Theo các tài liệu lịch sử và dấu tích nền móng còn sót lại, khu đền thờ - lăng mộ được thiết kế theo kiểu "nội công ngoại quốc", bao quanh bởi hai vòng thành khép kín, thành ngoài bằng đất, thành trong bằng đá. Bên trong tường thành là hệ thống hạng mục kiến trúc bề thế.
Do có giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật kiến trúc độc đáo, năm 1990 đền thờ Nguyễn Văn Nghi được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Công trình được đánh giá như pho tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thế kỷ 17.
Tuy nhiên, trải qua biến thiên của lịch sử và thời gian, đền thờ đang bị xuống cấp. Con đường dẫn từ thành ngoại vào trong vốn được lát đá tảng nguyên khối hình vuông, nhưng hiện nhiều viên bị xô lệch hoặc mất.
Dọc lối đi vào gần cổng đền có hai hàng tượng chó, ngựa, voi đá, tượng người chầu và hai tấm văn bia bằng đá nguyên khối kích thước lớn (nặng 5-7 tấn) được tạc khắc tinh xảo, song do thời gian dài không có người trông coi, tôn tạo khiến rêu mốc, cây cối cỏ dại mọc đầy xung quanh, có tượng bị sứt mẻ.

Công trình còn nguyên vẹn nhất là cổng đền được làm bằng đá tảng và gạch nung song cũng có nhiều vị trí hư hại, nứt nẻ. Ảnh: Lê Hoàng.
Nổi bật ở di tích này là hệ thống tường thành đá và cổng đền lớn hình mái vòm, tương tự cổng di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Cổng đền có một cửa, kết hợp giữa kỹ thuật xếp đá (phía duới) và xây gạch nung (trên nóc thành). Tuy nhiên, những hạng mục công trình này đã không còn nguyên vẹn.
Tường thành đá hầu hết bị đổ sập, chỉ còn một số đoạn vuông vức ở hướng Đông. Cổng đền cũng nứt nẻ, cây dại mọc um tùm phía trên, các viên gạch phần mái một số đã bị rơi hoặc mục mại.
Theo sử liệu, trung tâm khu đền thờ trước đây có 24 dãy nhà lớn bé, tuy nhiên hiện chỉ còn lại gian nhà nhỏ rộng chưa đầy trăm mét vuông dùng làm nơi thờ tự. Đây là gian nhà nằm giữa, nối gian tiền đường, trung đường với nhà chánh tổng phía sau. Căn nhà dạng mái vẩy, lợp ngói mũi hài nung thủ công, do hệ thống cột kèo, xà ngang... đã quá cũ khiến phần mái võng xuống, có nguy cơ đổ sập.
Các công trình quy mô như bái đường, sân lễ, tiền điện, hậu điện và phần phụ trợ khác nay chỉ còn lại nền móng hoặc đã hoàn toàn mất dấu vết.

Đền thờ Nguyễn Văn Nghi nằm trên một cánh đồng biệt lập, cách xa khu dân cư ở Đông Thanh. Ảnh: Lê Hoàng.
Tháng 9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đền thờ Nguyễn Văn Nghi với tổng mức đầu gần 53 tỷ đồng. 6 năm qua, dự án chưa thể triển khai do thiếu vốn.
Bà Lê Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Đông Sơn, cho biết hiện ngành văn hóa mới dừng ở công đoạn khảo cổ, đánh giá hiện trạng di tích, còn các hạng mục trùng tu khác đang đình trệ.
Di tích quốc gia đền thờ Nguyễn Văn Nghi xuống cấp. Video: Lê Hoàng.
Nguyễn Văn Nghi, sinh năm 1515, trong một gia đình danh gia vọng tộc ở làng Ngọc Bội cũ, nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 39 tuổi, tại khoa thi Giáp Dần (1554, đời Vua Lê Trung Tông), ông thi đỗ Nhất giáp Chế khoa.
Là người đoan chính, trọng khuôn phép nên ông được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới ba triều vua Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông như: Hiệu lý Hàn lâm viện, Đông các hiệu thư, Tham chính Nghệ An, Tả thị lang Bộ Lại, nhập thị Kinh diễn kiêm Đông các học sĩ. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn được quần thần quý trọng bởi cả đức độ và tài năng.
Nguyễn Văn Nghi còn là thầy dạy hai vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông lúc còn trẻ. Sau khi mất, ông được truy tôn là Thượng thư bộ Công, gia thăng Thái bảo và được nhân dân lập đền thờ ở quê nhà.