Di tích nằm trên khu đất rộng 60.000 m2, sát chân núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân. Quần thể bao gồm cồn cát Bãi Cọi và các điểm xung quanh như Bãi Lòi, Bãi Phôi Phối, được Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện lần đầu năm 1974. Trong đó, cồn cát Bãi Cọi được coi là khu trung tâm, nơi đầu tiên tìm thấy và khai quật.
![Bình gốm sứ khai quật từ di tích Phôi Phối - Bãi Cọt, được trưng bày tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/24/-2322-1666590636.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1TAqbJ3EutzsUw_8V9nBOw)
Bình gốm sứ khai quật từ di tích Phôi Phối - Bãi Cọt, được trưng bày tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng
Từ năm 1976 đến 2012, nhiều nhà khảo cổ, đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đã về huyện Nghi Xuân tổ chức các đợt thám sát, khai quật, phát hiện kho hiện vật bằng gốm, đồng, sắt, cụm mộ táng, mộ chum, đồ tùy táng... có niên đại khoảng 2.000 năm. Hiện nay, nhiều hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Hà Tĩnh.
Giới chuyên môn kết luận, Phôi Phối - Bãi Cọi đủ yếu tố của nền văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn, cho thấy mảnh đất Hà Tĩnh là vùng đệm, nơi giao thoa của hai nền văn hóa nổi tiếng thời sơ sử. Giá trị văn hóa của di tích khảo cổ này còn tiềm ẩn lớn, tạo sự chú ý đến giới nghiên cứu khảo cổ trong nước và quốc tế. Năm 2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng nơi này là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Được kỳ vọng là địa điểm phát triển văn hóa, du lịch của địa phương, thu hút nhiều du khách, chuyên gia đến tham quan, nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa và khảo cổ, song đến nay Phôi Phối - Bãi Cọi gần như bị lãng quên.
Hiện di tích khảo cổ này vẫn là bãi đất cát hoang vu, giữa là rừng bạch đàn, cỏ dại mọc um tùm. Các tuyến đường xung quanh không có biển báo chỉ dẫn, giới thiệu về lịch sử, gốc gác. Khuôn viên thiếu hàng rào che chắn, khoanh vùng cắm mốc phân tích ranh giới giữa di tích với đất vườn của người dân, không có phương án trông coi bảo vệ.
Ở giữa rừng bạch đàn xuất hiện nhiều hố đất sâu 20-30 cm, do người dân khai thác cát chưa lấp. Một số gốc keo, tràm, bạch đàn cũng bị chặt, cưa gốc nham nhở. Người dân sống trong vùng thường lùa trâu bò vào khu vực này chăn thả.
![Người dân lùa bò vào khuôn viên di tích chăn thả. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/24/-2529-1666590636.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NFJVqbWL8JHwp_FIZkL8DA)
Di tích Phôi Phối - Bãi Cọi nay là bãi đất trống, người dân lùa bò vào chăn thả. Ảnh: Đức Hùng
Một Hiệu trưởng THCS trên địa bàn chia sẻ, những giờ ngoại khóa, giáo viên muốn chọn Phôi Phối - Bãi Cọi để giới thiệu cho học sinh hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, di tích khảo cổ hiện nay chỉ là bãi đất trống, không hiện vật, thiếu nhà trưng bày nên rất khó để các em hình dung.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên, hàng chục năm trước, sau khi các cơ quan chức năng khai quật và đưa hiện vật đi trưng bày, đến nay chưa có một cơ quan, đơn vị chuyên môn nào vạch kế hoạch định hướng giúp di tích phát triển. Dù rất trăn trở, xã chỉ có thẩm quyền nhắc nhở, khuyên người dân không được khai thác tài nguyên trái phép. Để di sản khảo cổ không bị lãng quên cần sự vào cuộc của các cấp cao hơn.
Ông Bùi Việt Hùng, Phó chủ tịch huyện Nghi Xuân, nói địa phương ý thức được giá trị khảo cổ to lớn của di tích Phôi Phối - Bãi Cọi, bởi vùng đất này có nguồn gốc của người Việt cổ từ hàng nghìn năm trước, là nơi giao thoa của nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh, nên đã lên kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị.
"Huyện đang làm tờ trình gửi lên tỉnh để quy hoạch lại di tích trên diện tích 3 ha. Thời gian triển khai tùy vào quá trình thẩm định, phê duyệt. Khi có vốn, huyện sẽ xây hàng rào bảo vệ khuôn viên, làm nhà trưng bày hiện vật khảo cổ phục vụ tham quan, giáo dục truyền thống văn hóa địa phương", ông Hùng nói.
Hiện trạng di tích quốc gia Phôi Phối - Bãi Cọi hồi cuối tháng 10. Video: Đức Hùng
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết, hiện tỉnh chưa có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích Phôi Phối - Bãi Cọi. Giai đoạn 2014-2020, mỗi năm Trung ương bố trí một tỷ đồng, tỉnh trích 9-12 tỷ đồng, ngoài ra huy động thêm nguồn xã hội hóa để trùng tu gần 300 lượt di tích.
"Hai năm gần đây, chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương đã cắt khoản hỗ trợ chống xuống cấp di tích một tỷ đồng mỗi năm. Nguồn vốn hiện tại khó khăn, tỉnh đang mong muốn có thêm sự hỗ trợ", lãnh đạo Sở cho hay.
Hà Tĩnh có 86 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và 529 di tích cấp tỉnh. Một số công trình hiện nay xuống cấp, chưa tu bổ.