Thứ sáu, 8/11/2024
Thứ năm, 16/11/2023, 10:40 (GMT+7)

Di tích Huế ngập lũ

Thừa Thiên - HuếNước lũ lên nhanh, tràn vào kinh thành Huế, gây ngập nhiều di tích triều Nguyễn như Đại nội Huế, điện Thái Hòa, Nghênh Lương Đình.

Từ ngày 13 đến sáng 16/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió đông trên cao, Thừa Thiên Huế mưa rất to. Tâm mưa là huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và huyện ven biển Phú Lộc, phổ biến 500-800 mm. Trong đó một số nơi cao hơn 1.000 mm, như: Xuân Lộc, Thượng Quảng, Hương Sơn, Vườn quốc gia Bạch Mã.

Mưa lớn cộng với nước lũ từ thượng nguồn sông Hương đổ về nhanh, nhiều khu dân cư ở TP Huế ngập sâu cả mét. Lũ tràn vào kinh thành Huế, tuyến đường 23/8 trước lầu Ngũ Phụng, cửa Ngọ Môn bị ngập.

Kinh thành Huế trong lũ
 
 

Nước lũ tràn vào kinh thành Huế. Video: Võ Thạnh

Nhiều du khách nước ngoài lội bì bõm vượt qua cửa Ngăn để vào tham quan kinh thành Huế. Nhiều người tỏ vẻ thích thú khi trải nghiệm du lịch trong mưa lũ.

Nhiều điểm bên trong đại nội Huế vẫn đang bị ngập. Để tránh đàn cá chép, cá koi thoát ra bên ngoài, Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế đã dùng lưới vây lại.

Du khách quốc tế chụp ảnh đàn cá chép nuôi trước hồ ở điện Thái Hòa.

Tuyến đường Trần Hưng Đạo trước đình Thương Bạc biến thành sông, người dân di chuyển bằng thuyền.

Đình do vua Tự Đức xây dựng năm 1875 để tiếp đón các sứ thần, là nơi làm việc hàng ngày của các quan lo việc ngoại giao, đồng thời cũng để tiện việc đối phó với đại diện của tòa Khâm sứ Pháp.

Di tích Nghênh Lương Đình, một trong hai công trình triều Nguyễn in trên tờ 50.000 đồng Việt Nam, bị nước lũ bủa vây.

Lũ tràn vào hộ thành hào nằm trước kinh thành Huế. Tuyến đường Trần Huy Liệu dọc kinh thành ngập sâu 0,5 m, vắng bóng người qua lại.

Xung quanh hoàng thành Huế, nước lũ vẫn đang bủa vây. Nhiều tuyến đường trong kinh thành Huế như Lê Thánh Tôn, Mai Thúc Loan, Đoàn Thị Điểm vẫn đang còn ngập.

Người dân tranh thủ thả lưới trên hồ bao quanh hoàng thành Huế.

Thừa Thiên Huế là tâm mưa trong đợt mưa lũ ngày 13/11 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 17/11. Trừ huyện A Lưới, 8 huyện thị của tỉnh đều ngập. Nằm ở hạ du ven sông Hương, toàn bộ 36 phường, xã của TP Huế đến tối qua ngập 0,5-1,2 m, trong đó khoảng 8.500 hộ dân ngập sâu 0,8-1,2 m. Một người chết, một người mất tích do lật ghe.

Di tích Bình An Đường nằm trên đường Đặng Thái Thân ngập 0,5 m. Công trình được xây dựng vào năm 1823 dưới thời vua Minh Mạng, là nơi khám chữa bệnh cho thái giám, cung nữ.

Nằm bên sông Phổ Lợi, đình làng Dương Nổ (góc phải), di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, gắn bó những năm tháng tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bị ngập khoảng một mét.

Đến sáng nay, nước lũ sông Hương đã rút xuống dưới báo động ba, giảm 0,8 m so với đỉnh lũ tối qua. Mức độ và diện ngập đã giảm một phần. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khuyến cáo người dân chưa nên hạ đồ xuống vì mực nước sông Hương có thể lên lại trong hôm nay và ngày mai do địa bàn vẫn mưa to.

Võ Thạnh