Sáng 12/8, đại diện các gia đình đại biểu trực tiếp tham dự hội nghị Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng (khóa III mở rộng) gồm Đại tướng - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, Đại tướng - Bộ trưởng Quốc phòng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng - Đô đốc Hải quân Nhân dân Việt Nam Giáp Văn Cương... đã trao tài liệu, hiện vật cho trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội để chỉnh lý bổ sung di tích Cách mạng kháng chiến Nhà và hầm D67 trong khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Nhà và hầm D67 (xây dựng năm 1967) là Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng, trong đó có cuộc họp bàn kế hoạch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (18/12/1974-8/1/1975).
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho biết, suốt 2 năm qua, trung tâm đã nghiên cứu chi tiết và xây dựng đề cương sưu tầm tư liệu, hiện vật của các đại biểu tham dự hội nghị này để dần dần làm sống lại căn hầm khi xưa với trọn vẹn tầm quan trọng lịch sử.
Với ý nghĩa tốt đẹp đó, gia đình của các đại biểu - nhân chứng lịch sử đã hiến tặng dụng cụ, đồ sinh hoạt, trang phục từng được đại biểu sử dụng tại Hội nghị cho trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
Mang theo sổ ghi chép, bao kính và đồng hồ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới trao tặng, bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng nói: "Đây đều là những vật dụng gắn bó với ông hàng ngày". Bà Phúc kể, Đại tướng bao giờ cũng mang theo sổ, bút để ghi chép trong quá trình làm việc. Các chiến dịch cũng được ông ghi lại cẩn thận để sau khi kết thúc còn tổng kết rút kinh nghiệm.
Cháu nội của Thượng tướng - Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương hiến tặng trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long kiếm lệnh của ông. Anh Giáp Hùng Cường cho biết, tại gia đình, chiếc kiếm này luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất - trên bàn thờ của Đô đốc. "Đó là biểu tượng tinh thần của gia đình chúng tôi", anh Cường nói. Trao tặng kiếm lệnh cho trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, gia đình Đô đốc hy vọng kỷ vật này sẽ được giữ gìn cẩn thận và phục vụ tốt cho việc giới thiệu lịch sử hào hùng của cha ông trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với các thế hệ mai sau.
Trở lại nơi mình đã làm việc gần 20 năm, ông Trần Quang Khánh, Trung tướng - nguyên Chánh Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng) xúc động nhớ tới vị trí, vai trò của các đồng chí từng tham gia Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Bộ Quốc phòng mà mình có cơ hội được phục vụ.
"Tôi rất vui khi thấy những kỷ vật, công trình phòng họp, hầm, nhà con rồng... là các bộ phận cấu thành di tích lịch sử D67 được bảo quản tốt. Hiếm nơi nào trên thế giới, một di tích lịch sử cũ trải qua mấy thế kỷ vua chúa phong kiến lại được bố trí, kết hợp bí mật sở chỉ huy cao nhất của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Bộ Quốc phòng. Di tích này nên được giới thiệu rộng rãi cho khách tham quan trong nước và quốc tế", Trung tướng Trần Quang Khánh nói.
Quỳnh Trang