Tyers, 37 tuổi, mất một tháng đi tàu với chi phí hơn 2.500 USD, gần gấp ba giá vé của một chuyến bay khứ hồi, để đi từ thành phố Southampton, Anh đến thành phố Ning Ba, phía đông Trung Quốc, làm một nghiên cứu học thuật hồi tháng 5.
Anh đưa ra lựa chọn này không phải vì thích tàu hỏa, mà khủng hoảng khí hậu mới là lý do khiến nhà xã hội này chọn con đường vất vả hơn để di chuyển thay vì một chuyến bay. Tyers cho hay anh cảm thấy cần phải ngừng sử dụng máy bay khi các chuyên gia về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm ngoái cảnh báo rằng thế giới còn chưa đến 11 năm để tránh hiện tượng nóng lên toàn cầu biến thành mức độ thảm khốc.

Roger Tyers đi tàu từ Anh đến Trung Quốc thay máy bay. Ảnh: CNN
Tyers không phải là người duy nhất từ bỏ máy bay để đối phó với biến đổi khí hậu. Có hàng nghìn người trên thế giới đã công khai tuyên bố ngừng bay, trong đó có nhà hoạt động môi trường 16 tuổi Greta Thunberg, người đã truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình của thanh thiếu niên khắp các nước.
Họ cho rằng không có lý do gì để sử dụng máy bay khi các chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và các nhà khoa học đã cảnh báo về những tác động nguy hiểm của sự nóng lên toàn cầu với sức khỏe của con người và tương lai của vô vàn loài sinh vật.
Nhà hoạt động Maja Rosen đã khởi xướng chiến dịch "Flight Free" (Ngừng bay) ở Thụy Điển vào năm 2018 với mục tiêu khuyến khích 100.000 người ngừng bay trong một năm. Dù chỉ khoảng 14.000 người ký vào cam kết trực tuyến "#flightfree2019", Rosen nói rằng chiến dịch đã giúp nhiều người nhận thức được sự cấp bách của khủng hoảng khí hậu và thôi thúc họ đi tàu nhiều hơn.
Chiến dịch đã tạo ra một làn sóng trên mạng xã hội, nơi mọi người đăng các bức ảnh cho thấy họ đang đi tàu cùng với những từ khóa "bay là đáng xấu hổ" và "tự hào đi tàu" bằng tiếng Thụy Điển.
Theo cuộc khảo sát được công bố hồi tháng 5 của công ty đường sắt Thụy Điển SJ, có 37% người được hỏi chọn đi tàu thay máy bay khi có thể, tăng 17% so với đầu năm 2018.
"Lượng người đi tàu đang tăng lên do những lo ngại về khí hậu", một phát ngôn viên của SJ nói. Trong khi đó, Swedavia, công ty vận hành 10 sân bay đông đúc nhất của Thụy Điển, cho biết số hành khách nội địa hồi tháng 7 đã giảm 12% so với năm ngoái.
Rosen, người đã ngừng bay từ 12 năm trước, cho biết cam kết #flightfree2019 đã giúp nhiều người có thêm niềm tin khi họ cảm thấy vô vọng trước cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
"Một trong những vấn đề là mọi người cảm thấy một cá nhân hành động chẳng có ý nghĩa gì. Chiến dịch này nhằm giúp mọi người nhận thức rằng nếu chúng ta cùng nhau làm điều đó, chúng ta thực sự có thể tạo ra sự khác biệt lớn", cô nói.
Lượng khí thải của một hành khách đi máy bay tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm quãng đường họ bay, lượng khách trên máy bay, hạng bay mà họ sử dụng. Những hành khách hạng thương gia chiếm nhiều không gian hơn khách đi hạng thông thường, nghĩa là họ chịu trách nhiệm về lượng khí thải máy bay lớn hơn.
Khí thải từ tàu cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cách tàu vận hành. Ví dụ, tàu điện chạy bằng năng lượng sạch sẽ có lượng khí thải thấp hơn nhiều so với tàu chạy bằng diesel.
Tyers tính toán rằng chuyến tàu đến Trung Quốc của anh tạo ra lượng khí thải ít hơn một chuyến bay khứ hồi tới 90%. "Thật khó để biết được đi máy bay gây ô nhiễm như thế nào và lượng nhiên liệu mà nó sử dụng để đưa mọi người lên không trung, đi khắp hành tinh", anh nói.
Ngành công nghiệp hàng không chiếm 2% lượng khí thải CO2 do con người tạo ra. Đến năm 2050, nếu không có gì thay đổi, con số này dự kiến tăng lên 22%. Một hành khách bay khứ hồi từ London đến New York tạo ra lượng CO2 bằng một người ở Liên minh châu Âu sưởi ấm nhà trong một năm, theo Ủy ban châu Âu.

Các máy bay của hãng hàng không Anh British Airways tại sân bay Heathrow, London. Ảnh: PA
Theo Viện Nghiên cứu Grantham về Biến đổi Khí hậu, nhiều hãng hàng không đang rất thờ ơ với việc giảm thiểu khí thải và không rõ chiến lược lâu dài của họ là gì. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), một tổ chức thương mại gồm 290 hãng hàng không, đề ra mục tiêu đến năm 2050 giảm một nửa lượng khí thải so với năm 2005.
"Đây là một nhiệm vụ khó khăn khi ngành công nghiệp này vẫn đang phát triển nhưng chúng tôi tự tin sẽ đạt được", phát ngôn viên của IATA nói.
Hiệp hội cho biết ngành hàng không dự kiến áp dụng kết hợp nhiều biện pháp, gồm sử dụng nhiên liệu bền vững và các công nghệ mới như máy bay kết hợp cả động cơ đốt trong và động cơ điện, máy bay điện, nhằm cắt giảm khí thải.
Phần lớn các biện pháp này đòi hỏi những tiến bộ đáng kể về công nghệ. Pin điện hiện không đủ khả năng cung cấp năng lượng cho máy bay bay quãng đường dài, theo David Romps, giáo sư khoa học khí hậu, đại học Berkeley ở California, Mỹ.
Trong khi đó, tàu có thể giảm lượng carbon bằng cách chạy điện và sử dụng năng lượng sạch. "Nếu bạn thực sự muốn tạo ra sự thay đổi đúng hướng, hãy ủng hộ những ngành công nghiệp có tiềm năng trở thành một phần giải pháp", ông Romps nói.
Anh Ngọc (Theo CNN)