![]() |
Cha con ông Cộng. |
Vợ ông Cộng là bà Anh cho hay trong 5 người con thì 3 cô con gái đều tay chân lành lặn, còn 2 người con trai có bàn tay, bàn chân "độc ngón" giống cha. Tuy nhiên con trai út đã qua đời khi còn nhỏ.
Vợ ông Cộng kể rằng "Dù bàn tay, bàn chân chẳng giống ai, nhưng ổng mần ruộng rất giỏi, có chí. Lúc nào ổng cũng lạc quan, không bao giờ ca thán số phận kém may mắn với đôi bàn tay, bàn chân thiếu ngón".
![]() |
Dù chỉ có độc nhất 1 ngón nhưng ông Cộng có thể viết chữ rất đẹp. |
Bà Anh cho biết, cha ông Cộng là Nguyễn Văn Bốn (con một) "độc ngón". Do chân tay chỉ còn 4 ngón nên ông mới có tên là Bốn. Đến đời ông Cộng cũng là con một và 4 ngón. Ông Bốn ước mong những cháu trai của mình sẽ nhiều ngón hơn nên mới đặt tên con trai là Cộng, tức cộng thêm ngón. "Tiếc là mong ước của ông nội thằng Bình vẫn chưa đến", bà Anh thở dài.
Bình, thế hệ thứ 3 mang gen một ngón, nói: "Lạ là từ đời ông cố nội tui đến gờ ai cũng chỉ sinh được duy nhất một con trai và đều độc ngón. Chỉ di truyền cho đàn ông, còn mấy chị và em gái tôi lập gia đình, sinh con trai hay con gái tay chân cũng đều đủ ngón, không dị dạng".
Bìnhmới có một con gái, tay chân cháu bình thường. "Tôi chưa có con trai nên không biết có di truyền độc ngón đến đời thứ 4 hay không", anh Bình băn khoăn.
Ông Lê Văn Bảy, láng giềng của gia đình ông Cộng, cho biết: "Dù cơ thể không giống ai, nhưng ông Cộng là một tấm gương sáng của bà con ở đây. Ổng hiền, chịu thương chịu khó mà làm gì cũng giỏi, chỉ bằng hoặc hơn người ta thôi chứ không thua".
"Lúc đó ổng mới nói: 'Tui biết đến đây kiểu gì các anh cũng chế nên đã tự học từ trước'. Thế là sau đó, ổng được vào bộ đội", ông Nguyễn Văn Năm, một đồng đội cũ, cũng là hàng xóm của ông Cộng cũng kể lại.
Sau giải phóng, anh thương binh Nguyễn Văn Cộng về địa phương và được xã giao việc huấn luyện quân sự cho thanh niên địa phương như một chuyên gia quân sự thực thụ. Ông viết rất đẹp nên kiêm cả chức thư ký xã. Nói chung việc gì, từ bàn giấy cho tới lao động nặng, nhẹ, ông đều làm được như người bình thường.
![]() |
Anh Bình cũng viết chữ đẹp không thua cha mình. |
Nghỉ hưu, ông lại về với ruộng rẫy, chèo thuyền, lội ruộng, gieo mạ, cấy lúa, gặt, đập... chăn nuôi lợn, gà vịt, tất thảy mọi việc "ông nhất dương chỉ" đều không thua kém ai. Đặc biệt, đôi tay chỉ có một ngón, nhưng ông chơi đàn rất hay. "Hồi đó, tui mê ổng một phần cũng vì ngón đàn điêu luyện của ổng đó. Ổng chơi ca cổ nghe mùi lắm", bà Anh nói.
Con trai ông Cộng bây giờ cũng vậy. Dù khiếm khuyết tay chân nhưng Bình đã biết đi xe đạp từ khi học lớp 6, mới đây xe máy đã không phải là vấn đề quá khó đối với anh. Anh cho biết: "Hồi học lớp 6, do đi bộ từ nhà tới trường quá xa nên cha bắt tập đi xe đạp cho đỡ vất vả. Tui phải tập tới 2 tháng, ngã lên ngã xuống không biết bao nhiêu lần mới đi được. Giờ xe máy tui cũng đi được, có điều không thi lấy bằng lái được thôi".
Ngừng một lát, anh nói tiếp: "Nghe cha kể lại ông nội tui là một người rất có chí khí, không lùi bước trước khó khăn vì dị tật. Cho nên, từ ông nội đến cha tui dù không học cao nhưng đều viết chữ rất đẹp, làm gì cũng giỏi. Cha tui đã 'truyền lửa' cho tui nên hồi đó đi học vất vả tui vẫn quyết tâm học. Hết lớp 7 thì phải nghỉ ở nhà phụ cha mẹ. Nhưng tui viết chữ không thua cha tui đâu".
Giống như cha, Bình luôn ý thức được phần khiếm khuyết của bản thân nên rất chăm chỉ làm việc. Ai mướn việc gì cũng làm, mặc dù nhận tiền công ít hơn người bình thường. Công việc anh thường làm nhất là phụ hồ. Anh bảo: "Thời buổi khó khăn, có người mướn làm là tốt rồi". Nắm lấy bàn tay một ngón của anh, ngón tay thô ráp, cứng và chai sần.
Theo NNVN