Những hiện vật cùng niên đại với giai đoạn lịch sử An Dương Vương xây thành Cổ Loa đượm màu huyền thoại; những mũi tên đồng, lao, giáo, dao cho tới tấm che ngực, rìu, móc câu... còn nguyên vẹn, đường nét hoa văn rõ ràng được xếp sít sao nhau trong ngăn tủ kính trên căn gác nhà ông Hùng. Những bình, vò gốm vì không có tủ kính nên đặt tạm ở những chiếc giá gỗ do ông tự đóng.
Ông Hùng là bộ đội phục viên, chưa từng học khảo cổ. Ông nhặt được nhiều cổ vật đồng và cất giữ chỉ vì nghĩ rằng "có lẽ nó quan trọng với lịch sử làng" mà không hề biết rằng ngay dưới mảnh đất quê hương mình có thể chứa những câu trả lời cho đời sống tinh thần và vật chất của giống nòi mình - người Việt cổ. Cho đến năm 2008, gặp đoàn sinh viên khai quật khảo cổ học của trường Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội do GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung dẫn đầu, ông mới biết đó là kho tàng vô giá.
Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, với những hiện vật từ thời Đông Sơn và trước đó, có niên đại trải dài khoảng 1.700 năm, cách ngày nay tới 3.500 năm, nhưng không mấy người biết tới.
Khi ông hiểu ra, cũng là lúc Vườn Chuối đã nằm trọn trong quy hoạch xây dựng khu đô thị của một doanh nghiệp bất động sản. Những nhát máy xúc đã lật lên hàng trăm hiện vật, cái lành, cái vỡ. Ông kể với tôi, cứ có thời gian là chạy lên cánh đồng chờ những đường máy xúc để "cứu vớt" hiện vật theo cách mà giáo sư Dung đã hướng dẫn. Ngày mưa, ông càng vội vàng hơn vì không muốn những mảnh đồng trở nên xanh thẫm hay những nồi gốm vốn có màu nâu đất sẽ tan theo bùn.
Ông còn ghi cả số điện thoại của mình đính trên cánh đồng Vườn Chuối với hy vọng những công nhân lái máy xúc hay dân làng khác khi thấy hiện vật sẽ gọi điện để ông tới. Bởi nếu vội cầm lên để phủi đất thì những cổ vật ngấm nước hàng nghìn năm sẽ tan vỡ. Hơn 10 năm qua, hầu như không ai biết tới "bảo tàng ông Hùng" và câu chuyện này.
Về phía các nhà khoa học, GS Dung gấp rút xin trường đại học nơi mình làm việc khai quật khẩn cấp để tìm kiếm hiện vật, trước khi tất cả tan vỡ hoặc chìm dưới lớp bê tông của khu đô thị mới, dù chỉ là một vài hố trong hàng chục ngàn mét vuông. Bảy lần khai quật liên tục từ 2001 đến nay, chưa kể lần đầu tiên từ năm 1969 đã khẳng định tầm vóc của di chỉ. Bà nói với tôi, 10 năm trước bà từng làm đơn gửi TP Hà Nội về ý nghĩa của việc bảo tồn di chỉ này nhưng không nhận được hồi âm. Di chỉ cũng chưa từng được xếp hạng di tích, và không thuộc diện quy hoạch khảo cổ nên không hề được thăm dò trước khi triển khai dự án.
Năm 2017, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng đã làm đơn "kêu cứu" cho di sản này lên Thành ủy TP Hà Nội. Mặc dù sau đó Sở Văn hóa cho biết sẽ bảo vệ khu di chỉ nhưng máy xúc, máy ủi làm đường vành đai 3.5 vẫn tiếp tục san lấp, người dân Lai Xá vẫn đang kêu cứu.
Biết Vườn Chuối đã rơi vào quy hoạch, đã được giao cho chủ đầu tư, "không dám" đòi giữ nguyên cả khu di chỉ rộng, các nhà khoa học đành đề xuất một giải pháp dung hòa cho bảo tồn di sản đô thị. Đó là đề nghị Thành phố để lại một diện tích di chỉ làm công viên văn hóa tại chỗ ngay trong khu đô thị. Nếu đề nghị này thành sự thật, đây sẽ là khu đô thị độc nhất vô nhị tại Việt Nam có một không gian văn hóa để cư dân thời nay hiểu được đời sống của tổ tiên chúng ta cả ngàn năm trước.
Hãy nghĩ tới giá trị không thể thay thế được của di chỉ trong lịch sử cội nguồn dân tộc sẽ được phản ánh ở bảo tàng này. Nhưng để điều này thành hiện thực, TP Hà Nội, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phải đưa di chỉ vào danh mục di tích lịch sử văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp, yêu cầu các chủ đầu tư liên quan đến khu vực này tuân thủ. Nếu không, mỗi ngày nó sẽ bị xúc đi một phần mà chẳng ai hay.
Khi hình ảnh nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong lửa được hàng vạn người nuối tiếc, người dân Lai Xá vẫn đang tìm nơi kêu cứu cho kho báu làng mình. Tôi lại gọi cho PGS Nguyễn Văn Huy. Ông nói, điều cần nhất hiện nay là phân mốc giới cho khu di chỉ, cần một cam kết của Thành phố trong việc bảo vệ và có kế hoạch chi tiết, "đã là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không".
Ngày mai, ông Hùng sẽ lại đội mưa nắng đi theo vết máy xúc để tìm từng mảnh hiện vật, nhồi nhét thêm vào hai chiếc tủ kính xin của một bảo tàng, vốn đã đầy ắp.
Những người cô đơn và bền bỉ với di sản bao giờ được lắng nghe?
Nguyễn Thu Quỳnh