Thứ ba, 10/9/2024
Thứ hai, 11/1/2016, 20:03 (GMT+7)

Di sản còn sót lại của vị vua tàn bạo nhất châu Á

Tamerlane - một trong những vị vua tàn bạo nhất lịch sử Châu Á là người để lại nhiều di sản giá trị cho nhân loại.

Tamerlane là người thống lĩnh Tây Á, Trung Á và Nam Á vào cuối thế kỷ 14, dựng nên Đế quốc và triều đại Timurid. Ông đồng thời là một trong 4 vị vua tàn bạo và khát máu nhất Châu Á (cùng với Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên và Thành Cát Tư Hãn). Trong quá trình dựng nên đế quốc của mình, Tamerlane Đại đế đã giết khoảng 5% dân số trái đất bằng cách chặt đầu, thiêu cháy hoặc chôn sống. Ảnh: Adam Jones.

Thế nhưng, đằng sau những cuộc thảm sát, vị vua máu lạnh này còn để lại di sản văn hóa khổng lồ tồn tại cho đến ngày hôm nay. 25 năm sau ngày độc lập, Uzbekistan đã đưa ra quyết định gây tranh cãi khi tôn ông trở thành anh hùng dân tộc vĩ đại nhất, đồng thời khôi phục những công trình kiến trúc dưới triều đại Timurid. Ảnh: Destination360.

Samarkand (Uzbekistan) được Tamerlane chọn làm thủ phủ, xây dựng cung điện bằng đá cẩm thạch bề thế, nhà thờ Hồi giáo, lăng mộ, những ngọn tháp cao vút và mái vòm khổng lồ, trang trí bằng đá xanh tinh xảo với hàng trăm năm lịch sử. Trong hình là lăng mộ Shah-i-Zinda, được xây từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19, nơi an nghỉ của người thân Tamerlane và theo truyền thuyết, là anh em họ của nhà tiên tri Mohammed. Ảnh: Jill Potter.

Nhà thờ Hồi giáo ở Samarkand được xây với quy mô khổng lồ, điển hình là Bibi Khanum (ảnh). Nơi đây được Tamerlane xây dựng sau chiến dịch ở Ấn Độ vào cuối thế kỷ 14, với 450 cột đá cẩm thạch và huy động gần 100 con voi trong quá trình thực hiện. Ảnh: Tim Johnson.

Đế chế của Tamerlane trải dài từ Uzbekistan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đến các quốc gia Ả Rập, nhưng trung tâm quyền lực lại nằm ở Registan, Samarkand. Nơi đây từng là khu vực truyền tải những thông báo của hoàng gia và thực hiện những vụ hành quyết công khai. Tuy nhiên hiện đã được cải tạo thành nơi tổ chức các sự kiện lớn và lễ hội âm nhạc. Ảnh: Jill Potter.

 

Samarkand là thành phố của những mái vòm với lối kiến trúc tinh xảo cầu kỳ. Chính điều này tạo nên dấu ấn và đưa Samarkand trở thành Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Trong hình là mái vòm bên trong nhà thờ Hồi giáo Tilla Kari, một phần của tổ hợp Registan. Ảnh: Jill Potter.

Sau khi nhà vua qua đời vào năm 1405, ông được chôn cất trong lăng mộ Gur-Emir tráng lệ. Nơi an nghỉ của ông vừa khơi gợi cảm hứng vừa quá mức xa hoa bởi được dựng lên từ vô số vàng bạc cùng những viên ngọc lớn nhất trên trái đất. Ảnh: Tim Johnson.

Hải Thu

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net