Leem So-yeon là giảng viên giáo dục phổ thông tại Đại học Dong-A, tác giả của cuốn sách How I become a plastic beauty (Làm sao để tôi trở thành một người đẹp dao kéo). Trong quá trình làm luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul, cô đã thực hiện những cuộc phỏng vấn với bác sĩ, bệnh nhân và nhiều người khác trong ngành công nghiệp này.
Mong hiểu thêm tâm lý của bệnh nhân và cái giá phải trải khi chấp nhận can thiệp dao kéo, Leem quyết định đi gọt hàm. Suốt thời gian này, cô ghi lại quá trình thay đổi về thể chất và cảm xúc của bản thân khi làm phẫu thuật trong cuốn nhật ký.
"Ngày đầu tiên là tồi tệ nhất. Tôi không nhớ gì cả... miệng khô khốc, cổ họng đau rát khi phải liên tục thở bằng miệng. Thời gian khủng khiếp nhất là ban đêm. Không có ai xung quanh tôi. Trời rất nóng và tôi chất những chiếc gối cạnh thành giường để dễ ngủ. Tôi gần như phát điên khi rất muốn ngủ nhưng không được", cô viết.
Ngày thứ hai sau cuộc phẫu thuật, mặt của Leem sưng tấy nghiêm trọng. Cô được đeo mặt nạ đàn hồi che toàn bộ khuôn mặt, trừ mắt, mũi và miệng. Ngày thứ 3, cô chỉ có thể uống nước và đồ ăn dạng lỏng suốt một tuần. Đến ngày thứ 5, Leem bắt đầu cảm thấy buồn nôn và đau hàm. Cô lo sợ hàm của mình có thể bị nhiễm trùng.

Leem So-yeon chụp ảnh trong một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ở Cheongdam, Seoul, nơi cô làm điều phối viên nhằm phục vụ cho nghiên cứu của bản thân. Ảnh: Leem So-yeon
Để có thêm thông tin chân thực cho luận án, cô cũng xin làm điều phối viên tại một trong nhiều phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ở Cheongdam, Seoul - khu vực nổi tiếng về công nghiệp dao kéo.
Từ năm 2008 đến 2010, Leem tiếp tục có cơ hội quan sát ngành công nghiệp này khi xin làm mọi việc khác nhau, từ rửa bát đĩa đến chào đón khách tại quầy lễ tân trong các cơ sở phẫu thuật.
Đến tháng 11/2022, cô đã thu thập kết quả, tổng hợp thông tin và xuất bản cuốn sách có tên How I become a plastic beauty.
Ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu, Leem đã muốn tập trung vào quá trình chi tiết và kết quả phẫu thuật, hơn là lý do. Một trong những phát hiện của cô là dù nhiều người lao vào phẫu thuật thẩm mỹ với niềm tin sẽ thay đổi ngoại hình và cuộc sống, nhưng thực tế lại khác xa.
Leem lấy ví dụ về một chương trình thay đổi ngoại hình được phát sóng khoảng 10 năm trước. Người tham gia đều là phụ nữ có khuôn mặt kém hấp dẫn và được ghi lại sự thay đổi qua từng cuộc phẫu thuật. Nhiều tháng sau đó, người này đã sở hữu vẻ đẹp khiến mọi người kinh ngạc, trong khi bản thân "rất hài lòng".
Nhưng trong 10 bệnh nhân từng trải qua phẫu thuật hàm mà Leem từng phỏng vấn, không ai mô tả cuộc sống sau phẫu thuật của mình là thú vị hay hài lòng. Hầu hết họ chỉ quan tâm đến một câu hỏi "khi nào tôi sẽ đẹp lên?", sau nhiều tháng phẫu thuật nhưng gần như không có biến chuyển.
Trên thực tế, kết quả của cuộc phẫu thuật thẩm mỹ không nằm ở việc thành công hay thất bại mà dựa vào may rủi. Có người làm sẽ đẹp, nhưng một số khác thì không.

Leem So-yeon, giáo sư giáo dục phổ thông tại Đại học Dong-A và là tác giả của cuốn sách "Làm thế nào tôi trở thành một người đẹp thẩm mỹ." Ảnh: Shim Hyun-chul/Korea Times
Leem cũng nhận ra việc lắng nghe tiếng nói của những người trong ngành, chẳng hạn như bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật hay y tá, quan trọng hơn việc giúp thay đổi thế giới phẫu thuật thẩm mỹ.
"Tôi từng rất ghen tỵ với một người đẹp. Những suy nghĩ trong quá khứ luôn ao ước một khuôn mặt đẹp đã được khơi gợi khi tôi biết nhiều hơn về ngành công nghiệp này. Tôi hy vọng những người quan tâm đến phẫu thuật thẩm mỹ có nhiều cơ hội hơn để lắng nghe kinh nghiệm từ nhóm từng trải. Đồng thời có cơ hội nhìn lại hình mẫu trong quá khứ trước khi quyết định thực hiện, nhằm tránh sự đau đớn và thất vọng không đáng có", Leem nói.
Phương Minh (Theo Koreatimes)