Thông thường, ông Đinh Văn Ưởng (thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) chỉ về nhà khi làm giỗ cho vợ rồi lại về rừng. Mới đây, ông bị các con ngăn cản quay lại rừng bởi năm nay ông đã 94 tuổi, vừa phải nhập viện vì bị đá đè.
Con trai ông đã giấu chìa khóa và bảo người canh gác, không để ông bỏ trốn vào rừng. Nhưng ông Ưởng phản đối kịch liệt, bỏ ăn uống. Câu duy nhất ông nói với các con là: "Cho tao về lại quê hương tao đi. Tao nhớ quê hương lắm rồi".
Mỗi lần có người đến thăm, ông Ưởng thường nằm không nhúc nhích, cũng chả buồn trò chuyện. Nhưng khi nhắc đến rừng là mắt cụ sáng lên, tinh thần phấn chấn hơn hẳn. Ông nói: "Đi đi, đi vào quê hương tao nhé. Ở trong đó thích lắm". Nói rồi ông bật dậy và một mực đòi quay trở về "quê hương".
Bà Đinh Thị Sắng, con gái ông Ưởng, nước mắt ngắn dài năm nỉ xin cha đừng đòi vào rừng nữa mà hãy ở lại đây để các con chăm sóc nhưng ông không nghe. Sau rồi, bà Sắng phải nhượng bộ, đồng ý đưa ông về thăm lại rừng. Nhưng bà yêu cầu ông Ưởng phải hứa là chỉ vào thăm thôi, thăm xong nhất định phải quay về. Ông Ưởng gật đầu, bật dậy khỏi giường, tìm cây gậy.
Suốt đoạn đường trên thuyền đến "quê hương" của ông Ưởng, nhiều người tò mò hỏi bà Sắng: "Sao nghe nói đợt này "bắt" cụ ở nhà cơ mà? Giờ lại cho cụ vào rừng à?"; người lại hỏi: "Thế không sợ vào đến đó rồi cụ cứ ở rịt trong đó thì làm sao?". Bà Sắng đáp lời: "Cụ hứa rồi. Cụ đồng ý chỉ vào thăm rồi về thôi".
Trời cuối hạ nắng như đổ lửa. Vậy mà ngồi trên thuyền ông Ưởng không ngừng ngâm thơ rồi kể chuyện cuộc sống hoang dã nơi rừng sâu cho mọi người nghe. Hỏi cụ có mệt không thì cụ lắc đầu bảo rằng: "Không. Phấn khởi lắm. Vào "quê hương" ai lại mệt bao giờ".
Ở quê, mỗi khi nhắc đến ông người ta thường gọi trêu là "dị nhân người rừng", còn các con thì vẫn than thở rằng ông có số "giời đày". Việc ông Ưởng gắn bó cả đời với rừng sâu ban đầu cũng có lý do.
Năm 13 tuổi, ông bị lính Pháp bắt đi phu. Sau một năm khổ sai, ông trốn vào rừng sâu. Thấy lính Pháp truy lùng gắt gao, ông ở rịt trong rừng luôn. Mấy năm sau mới dám trở về nhà thăm bố mẹ. Ông Ưởng về nhà cũng chỉ mắt trước mắt sau, biết tình hình của những người thân rồi lại quay về rừng sâu.
Ban đầu người nhà gàn rất nhiều, ai cũng nói "sóng gió" qua rồi cứ việc ở nhà thôi đừng vào lại đó nữa. Song ông không chịu, mọi suy nghĩ lúc nào cũng chỉ hướng về rừng, về những hang đá và những rặng cây đã tự tay gieo trồng, chăm bón.
Sau này đến tuổi lập gia đình, bố mẹ bắt ông về lấy vợ với hy vọng có vợ con sẽ giúp ông quên đi nỗi nhớ rừng và chấp nhận trở về cuộc sống của một người bình thường. Nhưng lấy vợ xong, mới qua tối động phòng thì ngay hôm sau ông Ưởng lại khăn gói về "quê hương".
Ông nói với vợ: "Tôi không thể sống thiếu "quê hương" được đâu. Cô đồng ý theo tôi vào rừng thì chúng ta cùng chung sống ở đó". Người vợ nước mắt ngắn dài nhưng cũng buộc phải chấp nhận bởi bà không muốn mang tiếng vừa lấy chồng mà đã bị bỏ rơi. Nhưng sống với chồng được một thời gian ngắn, bà không thể chịu đựng được cuộc sống quá hoang dã ăn hang ở lỗ, muỗi đốt khắp người, cái gì cũng thiếu nên đã phải khăn gói về lại quê.
Dù có vợ mới cưới nhưng thi thoảng lắm ông Ưởng mới lại chèo thuyền về thăm vợ. Hoặc nhiều khi gia đình phải có công có việc gì không đừng được thì ông mới chịu rời "quê hương" vài ngày.
13 tuổi, ông bắt đầu cuộc sống của một "Tazan" và đến nay đã 94 tuổi. Hơn 80 năm sống trong rừng sâu, mọi thứ sinh hoạt hằng ngày đều do ông tự kiếm. Lúa thì trồng trên núi, rau rừng và cá dưới sông. "Cơ ngơi" mà ông khai hoang được là những vạt rừng ngút ngát hoa trái, na, ổi, dâu da xoan, nhãn... Những thứ đó ông Ưởng không bán mà đem về chia cho con cháu hoặc những người lái thuyền trên sông vào khu du lịch. Ai đến ông cũng mời hoa thơm, trái ngọt. Khi về lại có quà mang theo.
Hằng ngày ông Ưởng thức dậy từ tờ mờ sáng, trèo lên các bậc núi để ươm thêm cây. Đôi khi lại bê những tảng đá xanh to để xây "nhà". Có vào "quê hương" của ông mới thấy được sự kỳ công và tình yêu mà ông dành cho những cái hang của mình. Xây "nhà" cũng là một thứ đam mê của ông. Lúc còn trẻ, sức khỏe dẻo dai, ông Ưởng rất thích công việc khám phá địa điểm đẹp để dựng "nhà".
"Nhà" của ông chính là những cái hang rộng, phía trên hở để không khí lọt vào. Phía dưới là những vạt đá to và phẳng để làm giường. Bước chân vào đây sẽ có cảm giác như đang chui vào phòng điều hòa mát lạnh. Nhưng sau này khi thấy ông tuổi đã cao, các con đã cùng nhau xây cho ông một căn nhà nhỏ phía bìa rừng để có nơi tránh mưa, tránh bão.
Một mình sống trong rừng sâu, ông Ưởng đã "bao phen mon men vào cửa tử, nhưng rồi chưa tới số nên lại bị đuổi ra". Để minh chứng cho lời của cha mình, bà Sắng kể lại: "Số cụ nhà tôi lạ lắm. Hình như ông trời cho sống để đày thêm thì phải. Có những lần tưởng chết mười mươi rồi mà vẫn qua được. Lần gần đây nhất, cụ đi lên núi, bị hòn đá xanh to rơi vào chân không giãy ra được. Cụ phải nằm bất động ở đó mấy ngày mới có người đi rừng phát hiện. Khi người ta cứu được thì cụ đã ngất vì đói, còn phần chân bị đá đè đã thối và có giòi bò".
Lần khác, theo lời kể của bác Sắng, ông Ưởng bị rơi từ trên vách núi xuống vực. Khắp người nham nhở, trầy xước nhưng cũng không làm sao. Trong lần đi vần đá về xây "nhà", ông bị tảng đá đè ngang ngực. Sau này có một người làng vào xin hoa quả, mới phát hiện ông nằm ở đó nên hô hoán mọi người vào cứu. Lần đó ông phải nằm viện mất 5 ngày.
Lần nằm viện đó, vì nhớ rừng quay quắt ông rút cả ống truyền dịch rồi len lén trốn con để "mò" về rừng. Ông cười bảo: "Có làm sao đâu. Vào đến rừng là mọi bệnh tật tiêu tan hết. Đi trồng cây, đi bắt cá, hái quả là khỏe ngay mà". Trời phú cho ông có được sức khỏe diệu kỳ, 94 tuổi nhưng giọng hát vẫn ngân vang.
Thăm "quê hương" xong, bà Sắng nói với cha là đã đến giờ về. Lần này ông Ưởng không năn nỉ, cũng không có hành động "ngoan cố" nào. Ông chống gậy theo con gái. Chốc chốc ngoái lại nhìn căn nhà nhỏ, những cái hang và bạt rừng.
Theo Cảnh sát toàn cầu