Anh Lương Thanh Chương, 47 tuổi, hiện sống tại Vũng Tàu, là một người đam mê đọc sách và du lịch. Năm 2013, anh lên kế hoạch "Đi du lịch 10 năm" liên tiếp để khám phá thế giới. Thay vì đi tour thông thường, anh muốn biến mọi hành trình của mình thành một cuộc thử thách. Do đó, anh tìm tới những nơi được in trên cốc lưu niệm và chụp ảnh. Ví dụ như trên một chiếc cốc có hình tháp Eiffel của Paris, anh sẽ tới đúng vị trí đó và chụp ảnh theo trào lưu "Tôi đã tới đây" được nhiều du khách trên thế giới áp dụng.
Từ năm 2015 đến 2017, anh đã sưu tầm được 430 chiếc cốc lưu niệm. Ngoài việc in tên thành phố, quốc gia, vùng lãnh thổ, trên cốc còn có 2 biểu tượng tiêu biểu nhất của điểm đến được nhắc đến đó. Các họa tiết đó có thể là tượng đài, công trình nổi tiếng, ngọn núi, tòa lâu đài... hoặc đơn giản là một bông hoa, con vật tiêu biểu của quốc gia đó. Ví dụ như cốc in chữ Thụy Sĩ sẽ có hai biểu tượng là bông hoa Eidelweiss và ngọn núi Matterhorn, cốc của Áo là chiếc nón Tyrolean Hat và dãy Alps, cốc của Bulgaria là bông hoa hồng và ngôi nhà Oslekov...
Khi nhìn vào những hình ảnh trên cốc, anh Chương sẽ đặt ra câu hỏi: những hình này là gì? Sau đó, anh tìm hiểu, tra cứu để tìm ra kết quả chính xác rồi chuẩn bị cho chuyến đi để đến đó check-in. Với 430 chiếc cốc đã sở hữu, anh Chương đặt ra mục tiêu ghé thăm 860 điểm đến ứng với các địa điểm đã in hình (mỗi cốc là hai điểm đến). Hiện tại, anh đã thực hiện được 172 bức ảnh, tương ứng với 86 chiếc cốc đã được check-in và mất 5 năm để hoàn thành.
Các chiếc cốc in biểu tượng của Việt Nam mà anh sở hữu là: hình ảnh cô gái mặc áo dài đội nón lá; vịnh Hạ Long; cổng vào văn miếu của Hà Nội; hoa sen; xích lô và chợ Bến Thành của TP HCM.
Nhiều người thường lựa chọn các biểu tượng là các công trình nổi tiếng in trên cốc và tìm đến nơi đó để chụp ảnh. Anh Chương thích thử thách bản thân, nên tìm các biểu tượng khó hơn như đến các ngọn núi, vùng sâu vùng xa..."Chụp các biểu tượng nổi tiếng tại các thành phố thì dễ. Chụp núi non, động vật mới khó. Ví dụ như cốc in biểu tượng của bang Sabah, Malaysia là con đười ươi và ngọn núi Kinabalu. Tôi phải vào khu bảo tồn của Sabah để canh và chụp được con vật đó, cũng như leo lên độ cao hơn 4.000 m của ngọn núi để chụp ảnh", anh nói. Hành trình này mất 2 ngày 1 đêm. Anh bắt đầu leo từ 8h sáng, đến độ cao 1.800 m thì nghỉ ngơi. 15h anh đạt đến độ cao 3.200 m thì tiếp tục nghỉ ăn tối. 2h hôm sau, anh xuất phát lên đỉnh ở độ cao 4.000 m.
Anh cho biết điểm chụp ảnh khiến anh run nhất là chụp lời đười ươi trong khu bảo tồn ở bang Sabah. Anh phải nhờ nhân viên của khu bảo tồn "dụ" một con đười ươi đến gần để anh check-in cùng chiếc cốc. Anh vừa chụp vừa run vì sợ con vật "hứng" lên giật mất điện thoại hay cái cốc rồi biến mất vào rừng thì coi như... xong.
Một trong những lần chụp ảnh đáng nhớ nhất đối với anh là đỉnh núi Trường Bạch, Cát Lâm, Trung Quốc. Khi đến, anh gặp bão tuyết, nhiệt độ khi đó là -20 độ C, trời lạnh đến mức có cảm giác như đông cứng cả tay. Nhưng đây chưa phải là điểm chụp lạnh giá nhất mà anh trải qua. Điểm lạnh nhất với anh là đảo Vũ Tùng, cũng thuộc Cát Lâm, với nhiệt độ âm 28 độ C để chụp cây băng, biểu tượng in trên cốc của Trung Quốc.
Điểm chụp vui nhất đối với anh là với gấu trúc, ở Thành Đô, Trung Quốc. Biểu tượng in trên cốc mà anh cho rằng không bao giờ có thể chụp được chính là hình ảnh mặt trời với đàn chim bay qua. Đây là hình được in trên mặt sau của chiếc cốc Tây Ban Nha. Một biểu tượng khác cũng khiến anh "bó tay" là hình 5 con thú trên chiếc cốc của Nam Phi.
Hành trình anh phải đi xa nhất để check-in với cốc là từ TP HCM, nối chuyến ở Auckland rồi tới thành phố Santiago, Chile. Tiếp đến, anh bay tới đảo Phục sinh để chụp các tượng Moai - biểu tượng trên chiếc cốc Chile.
Bức ảnh check-in với cốc công phu nhất chính là biểu tượng các vũ công đang múa. Đây là hình ảnh được in trên chiếc cốc Campuchia. Anh phải mua vé vào đền Angkor Wat, tìm một vũ công và thảo luận với họ về dự định của mình. Điều tương tự cũng được anh áp dụng khi chụp hình ảnh là các vũ công thực hiện điệu múa truyền thống của Thái Lan, hay điệu nhảy tango trên đường phố Buenos Aires... Những chuyến đi này đều được anh thực hiện trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Dự kiến sau khi hết dịch, anh tới Sevilla để tìm vũ công nhảy Flamenco cho biểu tượng in trên chiếc cốc của Tây Ban Nha.
Điểm đến anh mong muốn được chụp nhất là đỉnh Everest. Nhiều lần anh đã lên kế hoạch để đến trại nền (Base Camp) nhưng chưa đi được. Anh cho biết, từ năm 40 đến 50 tuổi sẽ chụp hết những biểu tượng khó in trên cốc. Sau đó, anh sẽ để dành những nơi dễ hơn để bắt đầu hành trình sau năm 50 tuổi.
Anh Chương cho biết, trên thế giới có một cộng đồng thích sưu tầm ly cốc giống anh. Cộng đồng đó nhiều nhất là ở Philippines, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Mãi đến tháng 12/2014, anh mới biết đến cộng đồng này và tham gia. Và cũng nhờ tham gia vào cộng đồng này, anh đã quen nhiều thành viên trong nhóm, đến từ mọi quốc gia. Nhờ đó, khả năng ngoại ngữ của anh cũng được cải thiện đáng kể, đủ để anh dùng khi đi du lịch một mình tới các nơi trên thế giới.
Một trong những lợi ích của việc tham gia vào cộng đồng sưu tập cốc lưu niệm là mỗi khi đến một quốc gia, thành phố nào, anh chỉ cần đăng thông báo lên nhóm. Đúng ngày giờ đến nơi đó, những người có thú sưu tầm như anh sẽ tổ chức đón tiếp, dẫn anh đi ăn, đi chơi. Họ thậm chí còn giúp anh giải quyết các rắc rối gặp phải trên đường đi, hướng dẫn cách gọi taxi, thậm chí là tặng quà là đặc sản địa phương. Thậm chí, nhiều thành viên trong nhóm sống ở các thành phố lân cận cũng sẵn sàng bắt tàu, lái xe hàng trăm cây số đến gặp anh, tham gia vào các cuộc trò chuyện bất tận.
Hải Đăng
Du khách Việt đi khắp thế giới theo những cuốn sách