Với chiều dài toàn tuyến 245 km, tổng mức đầu tư cho dự án đường cao tốc nối thủ đô Hà Nội với Lào Cai vừa được đưa vào khai thác cuối tuần trước là 1,45 tỷ USD. 40% chiều dài tuyến đường có 2 làn xe, phần còn lại quy mô 4 làn, nhưng suất đầu tư trên mỗi km khoảng 6 triệu USD khiến bản thân chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển đường cao tốc (VEC) bất ngờ vì "rẻ".
Điều này dễ thấy khi đem so sánh suất đầu tư của dự án với những công trình tương tự, thực hiện thời gian gần đây. Chẳng hạn tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km, quy mô 4-6 làn xe được đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, tương đương 8 triệu USD cho mỗi km.
Tương phản càng thấy rõ khi so sánh với các dự án ở phía Nam, như đường cao tốc TP HCM – Long Thành - Dầu Giây (hiện khai thác 20 km trên tổng chiều dài 55 km) có quy mô vốn 10.000 tỷ đồng cho 4 làn xe trong giai đoạn I. Để hoàn tất với 8 làn xe, vốn ước tính là 18.800 tỷ đồng, tương đương 18 triệu USD cho mỗi cây số. Tương tự ở đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương, kinh phí để hoàn thành 62km tại thời điểm năm 2011, trong đó có 40km chính tuyến đã ngốn gần 10.000 tỷ.
Trong một hội nghị do Báo Giao thông tổ chức cách nay chưa lâu, các chuyên gia cho biết, giai đoạn 2005-2010, suất đầu tư mỗi cây số đường cao tốc vào khoảng 8,1 triệu USD, giai đoạn từ năm 2010 đến nay cần thêm 2 triệu USD nữa. Trong khi đó, ở Trung Quốc, suất đầu tư cho mỗi km là 8,7 triệu USD đối với đường cao tốc trên địa hình đồng bằng và 9,7 triệu USD ở những nơi có đất yếu.
Được đầu tư ở mức khá kinh tế như vậy nên mức phí 1,22 triệu đồng cho một xe trên 18 tấn chạy toàn tuyến - mức chưa từng có trong ngành vận tải Việt Nam - không khỏi khiến dư luận và các doanh nghiệp chú ý.
Tuy nhiên, nếu tính toán theo chiều dài, mức phí bình quân cho mỗi km là khoảng 6.000 đồng. Con số này ngang với cao tốc Giẽ - Ninh Bình đang thu và thấp hơn so với mức xe cùng loại từng phải trả trên tuyến TP HCM – Trung Lương hồi đầu năm 2012 (khoảng 8.000 mỗi km).
So với một cao tốc khác cũng do VEC xây dựng là TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây thì mức phí cao nhất tại tuyến Hà Nội – Lào Cai cũng khá thấp. Dù chỉ mới hoàn thành và đưa vào khai thác 20km từ đầu năm nay nhưng phí với các loại xe tương tự ở mức 8.000 đồng cho mỗi km.
* Infographic: Phí đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Đại diện đơn vị vận hành và khai thác đường cao tốc khẳng định chưa nhận được một phàn nào từ phía tài xế hay doanh nghiệp về các mức phí tại 3 tuyến mà đơn vị này đang thu (gồm Nội Bài – Lào Cai, Giẽ - Ninh Bình và TP HCM – Long Thành – Dầu Giây). “Mức phí này là hợp lý khi tính tổng chi phí tiết kiệm được nhờ rút ngắn thời gian lưu thông, quãng đường, khấu hao xe lẫn an toàn hơn nếu so với các tuyến đường cũ”, một đại diện VEC nói.
Tuy vậy, nếu chiếu vào quy định mới nhất về thu phí đường bộ mà Bộ Tài chính ban hành thì các mức phí nói trên đều vượt khung của Thông tư 159. Dẫu vậy, VEC giải thích hiện đường cao tốc không phải chịu điều chỉnh của thông tư này. “Biểu phí đều được xây dựng trên cơ sở hoàn vốn cho công trình và đều được hai bộ Tài chính – Giao thông chấp thuận”, lãnh đạo VEC giải thích.
"Tôi cho rằng đắt hay rẻ, hợp lý hay không thì hãy để chủ doanh nghiệp, người đi đường trả lời là khách quan nhất, thay vì cơ quan quản lý hay bên bán” Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nêu quan điểm. Ông Thanh dẫn chứng, cao tốc TP HCM – Trung Lương, khi thu phí 8.000 đồng mỗi km đầu năm 2012 thì cả Bộ Giao thông vận tải lẫn đơn vị thu là Tổng công ty Đầu tư hạ tầng Cửu Long đều nói hợp lý. Thế nhưng khi kiến nghị giảm phí của các doanh nghiệp lúc đầu bị từ chối, doanh nghiệp đã chuyển sang đi quốc lộ I vì hiệu quả kinh tế cao hơn. Chỉ khi phí giảm đi 80.000 đồng sau đó, doanh nghiệp mới quay trở lại.
“Để nói đắt hay rẻ phải căn cứ vào nhiều yếu tố, như suất đầu tư mỗi cây số, khả năng thu hồi vốn cho tuyến đường… nhưng anh là người bán hàng, khi đưa ra sản phẩm mà người mua không chịu thì tức là không hợp lý rồi”, ông Thanh phân tích.
Ví dụ với tuyến Nội Bài – Lào Cai, Giám đốc Công ty vận tải và dịch vụ Hoàng Hà (Hà Nội) - Hoàng Ngọc tính toán, trước đây mỗi xe container từ Hải Phòng lên Lào Cai sẽ ngốn hơn 300 lít dầu, nay chỉ còn trên dưới 245 lít, giảm được gần 20%. “Nhân 55 lít dầu tiết kiệm được với giá trên 22.000 đồng thì đã dư ra 1,1 triệu đồng. Phần này đủ để trả tiền phí rồi”, ông Ngọc nói.
Ông Lê Thanh, chủ hãng xe giường nằm chạy tuyến Mỹ Đình – Lào Cai cũng cho biết, số nhiên liệu tiết kiệm được với loại xe này cao hơn, khoảng 25% nếu đi đường cao tốc mới so với đường đồi núi trước đây. “Trong trường hợp xe xuất bến đầy khách, không phải ra đường cũ để vợt khách thì chúng tôi sẽ chạy cao tốc dù mất thêm 600 nghìn đồng tiền phí”, ông Thanh khẳng định.
Là chủ một doanh nghiệp container hơn 100 đầu xe và cũng là chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng, ông Lê Đình Tiến khẳng định, mức phí 1,22 triệu ở Nội Bài - Lào Cai là kỷ lục về số phí phải trả trên một tuyến đường, hay mức 8.000 đồng mỗi km ở TP HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng gấp đôi nhiều đường khác nhưng lợi ích mang lại cho công ty "đáng đồng tiền bát gạo". “Với việc rút ngắn thời gian từ 15 giờ xuống còn 9 tiếng từ Hải Phòng lên Lào Cai, chúng tôi đang tính sẽ quay vòng đầu xe lên gấp 1,5 lần, tức là một xe chạy 10 chuyến trong tháng thì tới đây sẽ chạy 15 chuyến”, ông Tiến cho hay.
Trung Đức