Khái niệm "sleep tourism" (du lịch ngủ) trở nên phổ biến sau đại dịch, hướng tới những du khách chọn đi du lịch để được ngủ trong các nhà nghỉ, khách sạn. Hiện có từ 50 đến 70 triệu người Mỹ trưởng thành mắc các chứng rối loạn giấc ngủ, đa phần là mất ngủ. Đó là lý do tại sao du lịch ngủ trở thành một trong những xu hướng du lịch lớn nhất của năm 2022.
Trong 12 tháng qua, khách sạn Park Hyatt New York đã cho ra mắt Bryte Restorative Sleep Suite, loại phòng rộng hơn 80 m2 với đầy đủ tiện nghi nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ. Trong khi Rosewood Hotels & Resorts vừa ra mắt chương trình Alchemy of Sleep, được thiết kế để thúc đẩy sự nghỉ ngơi.
Zedwell là khách sạn đầu tiên của London (Anh) tập trung vào giấc ngủ đầu năm 2020, với các phòng được trang bị cách âm sáng tạo. Hay năm 2021, nhà sản xuất giường Thụy Điển Hästens đã thành lập Hästens Sleep Spa - khách sạn trị liệu giấc ngủ ở thành phố Coimbra (Bồ Đào Nha) với 15 phòng chuyên dụng.
Trước câu hỏi vì sao giấc ngủ bỗng trở thành trọng tâm, tiến sĩ Rebecca Robbins, nhà nghiên cứu về giấc ngủ và đồng tác giả của cuốn sách Sleep for Success (Ngủ để thành công), tin rằng sự thay đổi này diễn ra trong một thời gian dài, đặc biệt là các khách sạn.
"Ban đầu, du lịch đặt phòng khách sạn để có chỗ ngủ, sau đó ngành công nghiệp này mới khai thác các nhu cầu khác như những bữa ăn xa xỉ, điểm tham quan, mua sắm cùng nhiều tiện ích khác và cuối cùng phải trả giá bằng giấc ngủ. Nhưng giờ đây mọi người có sự thay đổi lớn trong nhận thức khi ưu tiên cho sức khỏe thể chất và tinh thần", Robbins lý giải.
Đặc biệt, đại dịch đóng vai trò rất lớn với xu hướng này. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Giấc ngủ lâm sàng (Mỹ) hồi tháng 1/2021, cho thấy 40% trong số hơn 2.500 người tham gia khảo sát nói rằng, chất lượng giấc ngủ của họ bị giảm kể từ khi dịch bùng phát.
"Covid-19 càng khiến mọi người càng chú ý đến giấc ngủ, và thực tế nhiều người đang phải vật lộn với chứng mất ngủ", tiến sĩ Robbins nói.
Nhà thôi miên, thiền định và trị liệu toàn diện Malminder Gill, cũng nhận thấy sự thay đổi thái độ của mọi người với giấc ngủ, nhất là khi thiếu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề về cơ thể và sức khỏe tinh thần như mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, tâm trạng thay đổi.
Gill đã hợp tác với Cadogan, một khách sạn ở London, để tạo ra các dịch vụ đặc biệt phục vụ khách gặp vấn đề về giấc ngủ mang tên Sleep Concierge. Dịch vụ này cung cấp các bản ghi âm thiền định dỗ giấc ngủ, danh sách các loại gối phù hợp với từng tư thế ngủ, tùy chọn chăn theo trọng lượng, trà giúp ngon giấc và xịt gối thơm, nhằm cung cấp cho du khách có một giấc ngủ chất lượng.
Nhưng liệu trình tập trung vào giấc ngủ do khách sạn, khu nghỉ dưỡng cung cấp không giống nhau, tùy thuộc vào hướng tiếp cận.
Như thương hiệu khách sạn cao cấp Six Senses, cung cấp nhiều chương trình ngủ ngon trong 3-7 ngày tại một số chi nhánh. Hay khách sạn Brown’s ở Mayfair, London, vừa ra mắt các trải nghiệm hai đêm đặc biệt giúp khách hàng chìm vào giấc ngủ bình yên.
Daniela Moore, Giám đốc truyền thông của khách sạn Rocco Forte, giải thích: "Giấc ngủ rất quan trọng và chúng tôi nhận thấy xu hướng du lịch ngủ đang gia tăng. Do vậy chúng tôi muốn giới thiệu các phòng khách sạn như một nơi quan tâm đến giấc ngủ hàng đêm của bạn".
Nhưng các trải nghiệm du lịch ngủ ngắn hạn có thể tác động lâu dài đến chất lượng giấc ngủ của một người?
Theo Tiến sĩ Robbins, trải nghiệm du lịch ngủ mang lại nhiều lợi ích, miễn là các khách sạn cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế uy tín. "Trong trường hợp tham gia chương trình nhưng không thấy tiến triển, khách hàng có thể mắc chứng rối loạn giấc ngủ và cần được điều trị chuyên sâu hơn", chuyên gia khuyến cáo.
Trong thời gian tới, nếu các dịch vụ sleep tourism tiếp tục phát triển, tiến sĩ Robbins mong đợi thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mới trong lĩnh vực này, bởi trên thực tế có rất nhiều phương pháp chưa được khai thác triệt để khi nói đến du lịch và khoa học giấc ngủ.
"Các chuyến du lịch ngủ có thể làm bạn thoải mái và trở về nhà trong trạng thái tươi tỉnh là một gợi ý không tồi", bà Robbins chia sẻ.
Phương Minh (Theo CNN)