![]() |
Súng khí đá tự tạo của bà con vùng Tánh Linh dùng để đuổi voi. |
Tổ chức Động Thực vật Quốc tế (FFI) cũng đã chi 45.000 USD để thuê chuyên gia bắt voi, bác sĩ thú y chuyên ngành voi từ Malaysia, cũng như những hỗ trợ kỹ thuật khác. Tính ra, chi phí vận chuyển một con voi dữ lên tới 500 triệu đồng.
Ông Lục Minh Hiếu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận cho biết, hai xe tải nặng được thiết kế đặc biệt theo bản vẽ của ông Sharif Bin Daim (chuyên gia săn voi của Malaysia) sẽ hoàn tất trong tuần này. Quanh thùng xe chở voi được gia cố chắc chắn bằng những thanh sắt lớn, sau đó lắp ván đóng kín.
4 chuyên gia về voi người Malaysia dưới sự chỉ huy của ông Sharif đang có mặt tại bản Đôn (Đăk Lăk), phối hợp cùng các chủ voi người Êđê huấn luyện hai voi chiến (đã mua) theo khẩu ngữ của Malaysia. Dự kiến trong tuần tới, sau khi được huấn luyện thuần thục, hai chú voi này sẽ được đưa xuống Bình Thuận để vào cuộc.
Trước đây, cuộc chuyển voi năm 1993 đã thất bại, cả đàn voi 6 con di chuyển từ Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) lên Đăk Lăk đều không sống sót, 1 con chết dọc đường do tai nạn và 5 con khác đều ốm chết trong vòng 4 tháng tại nơi ở mới. Tuy nhiên, theo ông Frank Momberg, Trưởng đại diện FFI Đông Dương, rủi ro ấy cũng đã được các chuyên gia tính đến, rút kinh nghiệm trong lần chuyển voi này.
Đàn voi dữ từ Tánh Linh chuyển đến sẽ không được thả vào Vườn quốc gia Yok Đôn, thậm chí trong phạm vi mở rộng của vườn theo một đề án đã được Bộ NN&PTNT đệ trình Chính phủ. "Sinh thái vườn quốc gia này là rừng khộp rụng lá vào mùa khô, không thích hợp cho voi sinh sống. Trong 6 tháng khô và nóng ấy, voi không có thức ăn và nước uống", ông Đỗ Tước, cán bộ khảo sát thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng nói.
Những con voi này sẽ được thả hoặc ở phía bắc của vườn, thuộc địa giới của các Lâm trường Buôn Đôn, Buôn Drang Phôk và Chư Mlanh; hoặc phía nam vườn trên địa giới của các Lâm trường Đác Vin và Chư Jút.
Nhưng cả 2 địa bàn này đều gặp phải vấn đề dân di cư tự do khai hoang trái phép. Ông Phạm Văn Tuyển, Giám đốc Lâm trường Chư Jút cho biết: Hiện nay ngay trong địa bàn 30.000 ha do lâm trường quản lý cũng vẫn còn 90.000 dân di cư tự do xâm chiếm trái phép. Trên địa bàn Lâm trường Chư Mlanh cũng đã có tới 350 hộ dân di cư tụ. Lâm trường đã phối hợp với chính quyền địa phương dùng các biện pháp cương quyết, đến nay vẫn còn hơn 50 hộ sống trong địa bàn. Các Lâm trường Buôn Đôn, Buôn Drang Phốc và Đắc Vin cũng trong tình trạng bị xâm hại như vậy. Địa bàn Lâm trường Đắc Vin cũng đang là điểm thu hút dân di cư tự do vì ở đây có rừng thường xanh và nguồn nước quanh năm. "Chúng tôi chỉ có thể thuyết phục họ rời khỏi địa bàn của lâm trường chứ không thể cưỡng chế họ được vì đất lâm trường không được cấp sổ đỏ", ông Nguyễn Hữu Thu - Giám đốc Lâm trường Chư Mlanh cho biết.
Hầu hết các trường hợp voi giết người đều xảy ra trong phạm vi cư trú của voi. Và nếu đàn voi dữ từ Bình Thuận lên, được thả ở 2 điểm dự kiến nói trên thì không có gì đảm bảo xung đột sẽ lại không diễn ra.
Cần nhanh chóng thành lập khu bảo tồn loài liên quốc gia
Kết quả các chuyến khảo sát thực địa cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa đàn voi ở Đăk Lăk và đàn voi ở tỉnh biên giới Mondulkiri thuộc Campuchia. Phía bạn hiện sẵn có khu bảo tồn Nậm Lya rộng gần 50.000 ha, và phía ta đã có Vườn quốc gia Yok Đôn với diện tích hiện thời là hơn 57.300 ha. Nhưng 2 khu bảo tồn này không được liền nhau. Theo một đề án xây dựng Vườn quốc gia Yok Đôn mở rộng tới gần 115.600 ha đang được Bộ NN&PTNT đệ trình Chính phủ, phần mở rộng này lại lên phía bắc nên vẫn không tạo được một hành lang giữa 2 khu bảo tồn thiên nhiên. Vì thế đề án không đáp ứng được mục đích bảo tồn voi bền vững.
Ông Frank Momberg, Trưởng đại diện FFI Đông Dương, cho biết: "Để bảo đảm cho đàn voi địa phương và những con voi dữ di chuyển từ Bình Thuận lên phát triển lâu dài, cần nhanh chóng thành lập một khu bảo tồn loài liên quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia, với diện tích bảo tồn chung rộng gấp từ 5 đến 6 lần diện tích Vườn quốc gia Yok Đôn hiện nay".
(Theo VOV, TT)