Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP HCM Nguyễn Văn Phước cho rằng, về mặt vệ sinh môi trường, để nghĩa trang lớn nhất thành phố tồn tại giữa khu vực đông dân cư như Bình Hưng Hòa không đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, do khu vực ở đây chủ yếu sử dụng nước ngầm, không dùng nước máy nên nguy cơ nhiễm khuẩn từ chất hữu cơ mai táng người chết rất lớn. Theo Sở Tài nguyên, có trên 160.000 nhân khẩu sinh sống quanh khu vực nghĩa trang. Việc di dời đang rất cấp bách.
![]() |
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa xen lẫn với khu dân cư. Ảnh: Kiên Cường |
Theo kế hoạch được Sở Tài nguyên và UBND quận Bình Tân - địa bàn tọa lạc nghĩa trang Bình Hưng Hòa, trình UBND TP HCM mới đây, từ đầu năm 2008 sẽ ngưng chôn cất mới. Sau đó tiến hành bốc và cải táng gần 100.000 ngôi mộ đi nơi khác. Khu đất hiện hữu sẽ được cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp thành công viên cây xanh, công trình công cộng.
Phương án cải táng số mộ khổng lồ tại Bình Hưng Hòa cũng được tính đến. Theo đó các ngôi mộ sẽ được di chuyển ra huyện ngoại thành, đến những nghĩa trang ở Củ Chi, Bình Chánh; hoặc ra ngoài thành phố như nghĩa trang xã Hóa An thuộc tỉnh Đồng Nai.
Việc triển khai sẽ gồm 3 giai đoạn: xin phép UBND TP HCM, thông báo di dời và đến năm 2009-2011 sẽ tiến hành bốc mộ cải táng. Hiện Ban quản lý nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã thông báo cho thân nhân các ngôi mộ tại đây kế hoạch di dời, bốc mộ.
Các đơn vị thực hiện bốc mộ phải phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng xử lý quá trình cải táng để không làm ô nhiễm đến không khí, môi trường xung quanh.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa có diện tích khoảng 60 ha, là khu thổ mộ lớn của TP HCM. Trước đây nghĩa trang này thuộc huyện Bình Chánh, ngoại thành thành phố. Ba năm trước, do quá trình đô thị hóa, huyện Bình Chánh được tách thành hai quận Bình Tân và Bình Chánh nên "hộ khẩu" nghĩa trang Bình Hưng Hòa thuộc nội thành - quận Bình Tân.
Ngoài khu chôn cất trực tiếp. nghĩa trang Bình Hưng Hòa còn có lò thiêu xác lớn nhất ở phía Nam, mỗi ngày có thể hỏa táng hàng trăm thi thể.
Kiên Cường