Việc sớm di dời các hộ dân nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra khi mùa mưa đang ở đỉnh cao và thường xuất hiện triều cường, nước chảy xói mạnh sau mưa.
Nơi những căn nhà lụp xụp lấn ra bờ kênh Thanh Đa sau khi giải tỏa sẽ được làm bờ kè vững chắc, chống xói lở. |
Theo UBND TP, sau khi di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, việc xây dựng bờ kè phải đảm bảo bền vững, có hiệu quả và tiết kiệm. Các hộ dân di dời, tạm cư phải được quận Bình Thạnh thực hiện hỗ trợ hợp lý.
Hiện có 37 trong tổng số 50 hộ dân nằm trong diện giải tỏa được đo vẽ, xác minh, kiểm kê hiện trạng nhà, đất. Có 16 hộ dân dựng nhà lấn ra kênh Thanh Đa được xem xét áp dụng chính sách giải tỏa, hỗ trợ di dời cho phù hợp. Theo tính toán sơ bộ của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, mỗi hộ dân có nhà lấn ra kênh sẽ được hỗ trợ di dời và thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Hiện quận Bình Thạnh tìm nguồn nhà tái định cư hoặc tạm cư cho 16 hộ bổ sung này.
Từ tháng 4, UBND quận Bình Thạnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thành các thủ tục cho dự án chống sạt lở đầu tiên như: chính sách giải tỏa, di dời tái định cư, biện pháp thi công... Thời gian khởi công làm bờ kè, chống xói lở cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Nhiều năm qua, bán đảo Thanh Đa và các khu vực kế cận đã diễn ra xói lở bờ sông Sài Gòn và bờ kênh Thanh Đa. Đã có nhiều vụ sạt lở gây chết người, chìm nhà xảy ra. Hàng nghìn hộ dân trong khu vực sống trong tình trạng bất an vì nạn sạt lở bờ sông, kinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. TP HCM cũng đã lên kế hoạch di dời các hộ dân ở bán đảo Thanh Đa và khu vực vào nơi an toàn.
Lưu Đức