![]() |
Ảnh: Corbis. |
Lần đầu mang thai nên Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) rất lo lắng. Từ tháng thứ 8, chị đã sắp sẵn quần áo và đồ dùng cần thiết cho cuộc sinh vào làn, để khi có dấu hiệu "báo động" là xách đi ngay. Đến những ngày cuối, thấy người mệt mỏi, mọi người lại nhận xét là bụng có vẻ đã "xuống" nên chị càng sốt ruột.
Sợ nếu chậm trễ sẽ bị đẻ rơi như mẹ chồng ngày trước nên một hôm khi thấy nhâm nhẩm đau bụng, chị báo với bà và hai mẹ con vội vã xách làn, gọi tắc xi đến thẳng bệnh viện. Bác sĩ khám, bảo chưa đến lúc và cho về. Ở nhà được nửa ngày, mẹ chồng lại giục: "Thôi đằng nào cũng sắp đẻ rồi, cứ vào viện cho nó an tâm con ạ!". Lan nghe lời và trải qua gần 3 ngày chen chúc ở bệnh viện, mệt đến mức rặn mãi không xong.
Còn chị Phương (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) thì cũng vì đến bệnh viện quá sớm mà suýt nữa... đẻ rơi. Bác sĩ bảo chưa sinh ngay nhưng để cho... chắc, chị vẫn đăng ký nằm viện, đến bữa thì về nhà ăn, tối về tắm rửa và ngủ.
Đến ngày thứ ba, chị đâm chủ quan, lại sẵn có mấy cô bạn lâu ngày đến chơi nên thấy đau dồn dập vẫn nấn ná: "Hôm qua bác sĩ dặn phải đau lâu lâu mới đẻ được". Đến lúc chị Phương vào viện thì cổ tử cung đã mở gần hết. Chỉ ít phút sau, em bé ra đời.
Giống như Lan và Phương, nhiều sản phụ đã phải chờ sinh rất lâu hoặc phải đi lại nhiều lần giữa nhà và bệnh viện chỉ vì không phân biệt được dấu hiệu chuyển dạ thực sự. Theo tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, gần đến ngày sinh, thỉnh thoảng thai phụ sẽ thấy nhâm nhẩm đau bụng, bụng co cứng lại. Đó là các cơn co tử cung để chuẩn bị "tập dượt" cho cuộc sinh. Những cơn đau này thường nhẹ, lâu lâu mới xuất hiện; nhưng thai phụ làm mẹ lần đầu dễ nhầm lẫn nếu quá lo lắng.
Nhiều thai phụ cũng tức tốc vào viện khi thấy ra máu báo - vệt dịch màu hồng. Đây đúng là dấu hiệu cho thấy bạn sắp sinh, nhưng không phải là ngay lập tức nếu không kèm theo cơn đau đặc trưng của chuyển dạ. Nhiều người có máu báo vẫn phải đợi đến mấy ngày.
Dấu hiệu chuyển dạ thực sự
Rỉ ối: Nếu đã rò ối, bạn nên vào viện để theo dõi dù đã đến ngày dự sinh hay chưa. Sẽ nguy hiểm nếu rỉ ối đã lâu mà em bé chưa ra đời.
Đau bụng dồn dập, thành từng cơn: Các cơn đau này xuất hiện đều đặn với mức độ tăng dần. Khoảng cách giữa các đợt đau ngày càng ngắn trong khi thời gian đau lại kéo dài. Tuy nhiên, ngay cả lúc thấy đau bụng có tính chu kỳ như vậy, bạn cũng không nhất thiết phải vào viện ngay nếu nhà không quá xa, đường sá thuận tiện.
Thời điểm hợp lý để bạn nhập viện là khi cơn co tử cung xuất hiện 3 phút một lần (giới chuyên môn gọi là cơn co tần số 3, tức là 3 cơn trong 10 phút). Lúc này nếu bác sĩ khám sẽ bắt đầu thấy dấu hiệu cổ tử cung mở khoảng 2 cm.
Bác sĩ Tiến khẳng định bạn không sợ bị đẻ rơi nếu đợi đến lúc này mới đến nhà hộ sinh, bởi thời gian từ lúc có dấu hiệu chuyển dạ đến lúc em bé ra đời thường khá dài, trung bình 8-16 tiếng. Những người sinh con so thường chuyển dạ lâu hơn con rạ.
Hải Hà