Ngày 13/7, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Hàm mặt, Bệnh viện E, Hà Nội, cho biết bệnh nhân bị dị tật ở vùng kín, lúc nhỏ từng khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng không điều trị. Dậy thì, chị có kinh nguyệt bình thường nhưng giọng nói trầm và nam tính, từng điều trị bằng hormone.
Kết quả xét nghiệm bệnh nhân mang nhiễm sắc thể 46XX (nhiễm sắc thể xác định giới tính nữ), có tử cung và hai buồng trứng bình thường, tử cung có thông ra âm đạo. Tuy nhiên, ống âm đạo ra bên ngoài bị thắt hẹp chung ống đi ra ngoài. Âm đạo và niệu đạo của bệnh nhân chung một đường ra ngoài và nhỏ đến mức chỉ đút vừa ống xông tiểu. Đây là lý do khiến người vợ không thể quan hệ tình dục.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị dạng âm đạo do hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh, còn gọi là xoang niệu dục, chỉ định phẫu thuật tạo hình vùng kín. Quá trình mổ, các bác sĩ dẫn lưu bàng quang trên xương mu bệnh nhân để nước tiểu không bị rò rỉ ảnh hưởng tạo hình và nong âm đạo. Xoang niệu dục có rất nhiều mạch máu nên nguy cơ chảy máu rất cao, kíp mổ phải rất thận trọng khi thao tác.
Tám ngày sau mổ, bệnh nhân được rút nong âm đạo, phần niêm mạc bám dính ổn định. Theo bác sĩ, sau ba tháng phẫu thuật, bệnh nhân có thể quan hệ tình dục như người bình thường.
Bác sĩ khuyên phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được, nên đến bệnh viện khám sớm. Với trẻ mắc dị tật, phụ huynh nên chú ý đến sự phát triển của con trong giai đoạn dậy thì. Bé gái không có kinh nguyệt trong thời gian dài, đau bụng nhiều khi hành kinh, nên đến viện khám. Hầu hết dị tật vùng kín có thể phát hiện bằng các phương pháp cận lâm sàng như siêu âm, chụp X-quang, CT, MRI.
Minh An