Tháng 9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi ra đi. Cùng với biển người đứng lặng trong nước mắt, bản di chúc đầy ắp tình yêu thương, lời căn dặn, định hướng, tiên đoán về cách mạng được công bố. Di chúc đề ngày 10/5, gồm 4 trang in khổ 14,5-22 cm.
Theo tư liệu của Tổng Cục chính trị (Bộ Quốc phòng), từ tháng 5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhận thấy sức khoẻ giảm sút so với những năm trước. Tuy tinh thần vẫn sáng suốt, song không biết mình có thể phục vụ cách mạng được bao lâu nữa, nên Người đã chủ động viết di chúc “phòng khi tôi đi gặp các cụ Các Mác, Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào cả nước và các đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.
Bản di chúc được viết trong thời điểm bản lề của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lúc này, chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ ở miền Nam đã thất bại hoàn toàn. Nhưng Mỹ vẫn ồ ạt đưa quân đổ bộ vào miền Nam, thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của quân giải phóng miền Nam, đồng thời mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đánh phá huỷ diệt miền Bắc.
Không bất ngờ trước việc này bởi từ tháng 3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì hội nghị chính trị đặc biệt tại Hà Nội. Người khẳng định nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh đụng đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ bị thất bại thảm hại và kêu gọi miền Bắc thi đua mỗi người làm việc bằng hai. Tháng 3/1965, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 11, khoá 3, hạ quyết tâm quyết chiến và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
Cuộc chiến tranh cục bộ mà quân Mỹ là nòng cốt diễn ra ở miền Nam qua hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 và chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Trong thế thắng đó, ta chủ trương bồi thêm một đòn chiến lược vào ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, làm thất bại hoàn toàn chiến tranh cục bộ. Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi đàm phán với Việt Nam tại Paris.
Phong trào giải phóng dân tộc, cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lúc này phát triển mạnh mẽ. Trong thư mừng xuân năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì độc lập/ Vì tự do/ Đánh Cho Mỹ cút, đánh Cho Nguỵ nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc, Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Bản di chúc năm 1965 Người tự đánh máy, dài 4 trang. Đây là bản duy nhất hoàn chỉnh, có chữ ký của Người và có sự chứng kiến của Bí thư thứ nhất ban chấp hành trung ương Đảng Lê Duẩn.
Năm 1967, 1968 Người viết bổ sung một số đoạn gồm 6 trang viết tay. Ngày 10/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc gồm một trang viết tay (những năm 1966, 1967 không có bản viết riêng).
Phần đầu của di chúc, Hồ chủ tịch căn dặn về sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Phần thứ hai nói về Đảng, về Đoàn viên và thanh niên, nhân dân lao động, cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới, cuối cùng là về việc riêng.
Người khẳng định phải giải phóng miền Nam, qua đó, giải phóng hoàn toàn và thống nhất đất nước như một tất yếu. “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
Người cũng nhắn nhủ, cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhờ sự đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết trước hết từ ngay trong Đảng, từ trung ương đến các chi bộ, phải giữ gìn như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đảng cũng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình, phê bình để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Một luận điểm quan trọng Người nhắc nhở mỗi đảng viên là: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”...
Mục đích xây dựng xã hội đạo đức, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bộ là lý tưởng sống của Hồ Chí Minh. Người lo sợ về một xã hội vô đạo đức, lo sợ cho một đội ngũ cán bộ vô đạo đức, thoái hóa, biến chất, vì vô đạo đức sẽ đẻ ra biết bao tai họa mà chính Người đã được chứng kiến nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, đề đạo đức xã hội, đạo đức con người là vấn đề mà Người suốt đời quan tâm.
Tiếp theo trong di chúc, mối quan tâm thứ hai sau khi nói về Đảng, là giới trẻ. Theo vị cha già của dân tộc, cách mạng là sự nghiệp lâu dài, khó khăn và là trách nhiệm của nhiều thế hệ. Vì vậy, việc bàn giao thế hệ không chỉ là trao lại những gì đã có mà điều quan trọng và khó khăn hơn nhiều là chuẩn bị và trang bị cho thế hệ sau những điều cần thiết, định hướng cho thanh niên những công việc phải làm để họ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng. Chính vì vậy, giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ chính là thực hiện theo quy luật khách quan nhằm đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước không ngừng phát triển.
Người căn dặn: Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Muốn giáo dục cộng sản cho đoàn viên thanh niên phải gắn liền việc học tập, rèn luyện họ với cuộc đấu tranh chung của xã hội. Người nói: "Đoàn thanh niên cộng sản chỉ xứng đáng với danh hiệu của nó là đoàn thể của thế hệ cộng sản trẻ tuổi, nếu biết gắn từng bước học tập, giáo dục và rèn luyện của mình với việc tham gia cuộc đấu tranh chung của những người lao động chống lại bọn bóc lột".
Chủ tịch Hồ Chí Minh có tình cảm đặc biệt và niềm tin mãnh liệt vào nhân dân. Người nêu rõ: nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi đã bao đời chịu gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức, bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy nhân dân ta rất anh dũng, hăng hái, dũng cảm, cần cù.
Người chỉ ra trách nhiệm to lớn của Đảng với nhân dân là “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Trong thời điểm viết di chúc, dù khẳng định cuộc kháng chiến còn kéo dài, Hồ Chí Minh đã nghĩ đến các nhiệm vụ sau khi kháng chiến thắng lợi. Đó là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra. Để làm được nhiệm vụ đó, việc làm đầu tiên là cần chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên đều ra sức làm trọn nhiệm vụ.
Những dòng di chúc viết về việc riêng khiến cho người dân càng thêm yêu quý, kính trọng Bác: "Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".
“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Những dòng cuối di chúc, Bác nói lời vĩnh biệt, "để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn đảng, toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng. Người "gửi lời thân ái đến các đồng chí, bầu bạn và cá cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế. Cuối cùng, Người thể hiện mong muốn tột cùng, mục đích sống và mục tiêu phấn đấu suốt cuộc đời mình là "Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng thế giới".
Hoàng Thuỳ