Nhiều chuyên gia cho rằng du lịch sẽ phát triển cực độ cuối năm nay, tôi nghĩ họ không sai, nhưng điều đó không diễn ra ở Tết này.
Một gia đình muốn đi Côn Đảo viếng mộ cô Sáu và nghỉ dưỡng dịp cuối năm. Tôi đã khuyên anh đừng đi, lỡ có gì chắc phải ở ngoài đó ăn Tết.
Chuyện không mong muốn đã đến, chuyến bay hai tuần trước có ca dương tính, tất cả hành khách phải cách ly theo quy định của địa phương. Anh gọi nhiều nơi nhờ vả để mong được quay về TP HCM nhưng vô vọng.
Gia đình họ phải cách ly bảy ngày, mỗi người một phòng. Chuyến đi hưởng tuần trăng mật hai đêm ở resort sáu sao cuối cùng thành bảy đêm cho hai phòng riêng. Ngân sách 20 triệu ban đầu đã lên đến gần 100 triệu. Tôi chỉ biết cười trừ và động viên anh, khi được "thả" tranh thủ về nhà ăn Tết là vừa.
Ba tuần trước, tôi cũng lâm vào cảnh éo le khi dẫn khách du lịch tại Quy Nhơn. Đoàn 20 người đi ba ngày hai đêm nhưng chẳng đêm nào vui trọn vẹn. Các điểm ăn uống, karaoke, bar buộc phải đóng cửa từ 21 giờ. Cả đoàn đang dự gala dinner, bỗng đèn đuốc, âm thanh "sập nguồn" vì "anh chị thông cảm, đến 9 giờ tối". Chúng tôi tiu nghỉu về phòng.
Chuyến du lịch không tham quan được bao nhiêu vì một số điểm không đón khách. Phần nhiều khách sạn, hàng quán cũng đóng cửa. Đường sá vắng lặng, xe cộ thưa thớt, không khí trầm lắng bao trùm cả Quy Nhơn - nơi từng là điểm sáng của du lịch miền Trung trước dịch.
Dù nhiều người kêu gọi kích cầu giai đoạn bình thường mới, nhưng du lịch chưa thể bình thường. Lý do lớn nhất bởi chính sách chống dịch vẫn mỗi địa phương một kiểu, hầu hết đều bất lợi và bất ngờ cho du lịch - một hoạt động cần sắp xếp lịch trước cả tuần, tháng. Các công ty du lịch như chúng tôi dù có khách đặt tour Tết cũng đang rất dè dặt vì không thể biết hết quy định luôn thay đổi ở các địa phương.
Du lịch thường đi kèm với vui chơi, giải trí nên không thể ban ngày cho đi chơi, ban đêm lại cấm. Các hoạt động di chuyển và tham quan, ăn uống được khôi phục đồng loạt mới có thể sẵn sàng đón khách chơi Tết.
Một vấn đề khác, con người và cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa sẵn sàng trở lại. Ở nhiều điểm du lịch, trong môi trường nhiệt đới gió mùa nước ta, nhiều phòng ốc đã xuống cấp trầm trọng hai năm qua. Những điểm đến tham quan tan hoang, công tác bảo trì bảo dưỡng di tích hầu như chỉ cầm chừng.
Tuần trước, khảo sát một điểm du lịch tại Nha Trang, tôi không ngờ khung cảnh xơ xác này từng đón vài ngàn khách một ngày với cơ sở vật chất khang trang. Khuôn viên hơn 10 hecta giờ chỉ có vài nhân viên săn sóc. Những băng ghế hoen rỉ, bụi bám đầy trên tiểu cảnh. Chủ một khách sạn cao cấp đã đóng cửa thời gian dài cho biết, anh chưa thể đón khách lưu trú Tết này vì ẩm mốc. Để khắc phục, họ cần sơn sửa và mua sắm đến 60% đồ dùng trong phòng - khoản chi quá lớn lúc này.
Hơn hai năm qua, phần lớn nguồn nhân lực phục vụ du lịch đã chuyển nghề. Tôi làm trong ngành hơn 10 năm, lần đầu tiên chứng kiến khoảng 80% đồng nghiệp đã rời đi. Người học lữ hành đi bán bảo hiểm, bất động sản; học buồng phòng, bar, bếp thì phục vụ quán ăn; học hướng dẫn viên, thuyết minh đi chạy xe ôm hay giao hàng... 10 công ty du lịch vừa và nhỏ thì tám đã giải thể. Du khách quay lại, lấy ai phục vụ một cách bài bản?
So với những quốc gia lân cận có ngành du lịch hàng đầu Đông Nam Á, Thái Lan đang có 15% GDP từ du lịch, Việt Nam đã đạt 10% GDP trước dịch. Đặc biệt, tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO) công bố danh sách quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019, trong đó Việt Nam đứng thứ bảy. Đây là kết quả của hàng chục năm quyết tâm phát triển và chúng ta đang kỳ vọng ngành này sẽ sớm lấy lại phong độ.
Mùa Tết này là thời điểm vô cùng thuận lợi để Việt Nam phát triển du lịch cả nội địa và quốc tế. Chính phủ đã công nhận hộ chiếu vaccine, thẻ xanh Covid, đã tuyên bố muốn Việt Nam trở thành điểm đến sau dịch. Thái Lan, Singapore, Campuchia đang đón khách quốc tế trở lại châu Á. Đó là "tiền lệ" mà Việt Nam có thể tham khảo.
Phú Quốc, Côn Đảo và các tỉnh miền Trung hoàn toàn có thể mở cửa an toàn với hộ chiếu vaccine và hướng dẫn khoa học với du khách. Côn Đảo không thể tiếp tục bắt cả chuyến bay cách ly bắt buộc bảy ngày dù ai cũng đã tiêm hai đến ba mũi vaccine.
Số F0 đã khỏi bệnh ở nước ta đến nay đã hơn hai triệu người, khoảng 2% dân số Việt Nam. Một con số thể hiện độ an toàn rất cao. Tại sao các địa phương chưa thể mạnh dạn mở cửa cho F0 lành bệnh đến du lịch, cũng không cần tiếp tục "phong thành tỏa cảng" với họ.
Chưa quá muộn để sửa đổi chính sách cho du lịch mùa Tết. Chúng tôi chờ đợi một chiến lược tổng thể của ngành, trong đó có kết quả khảo sát, đánh giá khả năng phục vụ khách của những điểm du lịch - vì chất lượng dịch vụ trước và sau dịch đã thay đổi hoàn toàn.
Ngoài ra, việc kích cầu cần đi đôi với phục hồi đội ngũ nhân sự cũng như khôi phục điểm đến. Tất cả cần một tiếng nói nhất quán từ tư lệnh ngành Du lịch, gồm sự bàn bạc thiện chí với các tỉnh, thành. Tự thân doanh nghiệp chúng tôi đã cầm cự gần ba năm qua, nay có thể cùng nhau "tự kích cầu" một lần nữa.
Tôi biết nhiều người sẵn sàng chi tiền đi chơi Tết, doanh nghiệp mong muốn được phục vụ, nhưng sẽ chẳng ai vui nếu bay đến một nơi chỉ để ngủ sớm hơn ở nhà.
Nguyễn Trần Hoàng Phương