7h30 ngày 21/4, sau khi ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa, bà Đặng Thị Kim Hoa, 63 tuổi, ở thị trấn Châu Ổ cầm điện thoại gọi đến các chị em hay nhờ đi chợ giùm trong khu dân cư. "Chị Lựu mua cá phải không, có mua tôm nấu cháo cho bà già không?... Hôm trước tiền bán bắp chuối còn 30 nghìn, để tui mua đồ ăn cho rồi tính sau nghe chị Ba", bà Hoa nói qua điện thoại.
Sau khi được xếp vào tỉnh có nguy cơ thấp, hoạt động xã hội ở Quảng Ngãi được nới lỏng, nhiều người ra đường trở lại, nên bà Hoa chỉ "chốt" được hai "đơn" gồm: cá ngừ, thơm, cà chua, rau muống...
Xách chiếc giỏ đi chợ treo ở xe máy, bà Hoa bịt khẩu trang, mang theo chai xịt khử khuẩn rồi chạy đến chợ Châu Ổ cách đó một km lựa thức ăn.
Đi chợ giùm vốn là một hình ảnh quen thuộc ở các làng quê trước đây. Vì chợ xa, thu nhập của nhà nông chỉ đủ để mua mớ rau, con cá làm thức ăn cho cả nhà, nên mỗi khi thấy có người đi chợ hoặc "đi thị" (đi thị xã), các gia đình hàng xóm thường gửi mua nhờ.
Nhưng bà Hoa và gần 10 phụ nữ khác ở thị trấn Châu Ổ đã đi chợ giùm một tháng nay, không phải vì tiện lợi, mà để phòng dịch Covid-19.
Ý tưởng "đi chợ giùm" được bà Nguyễn Thị Reo, chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Châu Ổ nghĩ ra những ngày cuối tháng 3. "Tôi nghĩ trong lúc cả nước đang chung sức chống dịch, tìm cách hạn chế tập trung đông người, chị em lại cần lo thức ăn trong gia đình nên họp các trưởng chi hội phụ nữ để đề xuất đi chợ giúp bà con", bà Reo nói.
Không chỉ huy động "chay", nữ chủ tịch này còn để hỗ trợ chị em nạp tiền điện thoại để liên lạc với các gia đình khi đi chợ. "Cùng ở thị trấn nhưng vùng gần phố thì nhiều chị em dùng mạng xã hội, còn ở quê thì chưa dùng nhiều nên phải gọi điện để liên lạc", bà Reo giải thích.
Bà Hồ Thị Lan, một thành viên của Ban chấp hành Hội phụ nữ thị trấn Châu Ổ đã bắt tay làm ngay khi nghe chủ tịch hội đề xuất. Bà nói với các chị em trong khu dân cư: "Có gì alo tui sẵn sàng, tui đi chợ mua về rồi sẽ giao cho các chị, khỏi lo dịch bệnh".
Trước khi đi chợ, bà Lan chuẩn bị nhiều hộp đựng bằng nhựa đã khử trùng và lá chuối hái trong vườn để gói, đựng thực phẩm cho từng nhà, hạn chế bệnh tật và rác thải môi trường. "Tui đi vậy rất vui. Nếu dịch kéo dài thì tui vẫn đi, càng ít người bệnh thì mình càng khỏe", bà nói.
Đầu tháng 4, khi Việt Nam vừa công bố dịch, người dân hạn chế ra đường nên các nữ "shipper" trong Hội phụ nữ mỗi ngày nhận đến 10 "mối" đi chợ giùm. Nhiều người không chỉ nhờ mua giùm mà còn gửi mít, chuối trong vườn để các chị đem lên chợ bán, sau đó lấy tiền mua cá, tôm, cua...
Việc làm của "đội shipper" đã giúp đỡ được nhiều chị em, đặc biệt là những người già neo đơn, người từ 60 tuổi trở lên (được khuyến cáo không ra đường), và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Như bà Nguyễn Thị Lựu, 52 tuổi, bị dị tật bẩm sinh, không thể đi lại bình thường, ở chung với cha mẹ già, ngày thường vẫn nhờ hàng xóm đi chợ. Nhưng khi có Covid-19, bà Đặng Thị Kim Hoa đến nhà và đề nghị đi chợ giúp.
"Gia đình không có nguồn thu nhập, mà chỉ dựa vào tiền trợ cấp tuổi già nên đi chợ cũng tiết kiệm, nhiều bữa hết tiền tui chỉ gởi miệng rồi đưa tiền sau", bà Lựu nói.
Để an toàn cho chính mình và người đi chợ giùm, bà Hoa luôn nhắc nhở mọi người mang khẩu trang khi nhận thức ăn. Ngược lại, bà cũng được mọi người nhắc chuyện phòng dịch.
Mỗi lần mua giùm thức ăn mang đến nhà, bà Hoa với người bạn đứng cách hàng rào, rồi treo thức ăn lên đó. " Không phải là xa lánh, bỏ rơi người thân mà để phòng dịch, mong bạn thông cảm", bà Hoa nói với bạn mình.
Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Châu Ổ cho biết, ngoài đi chợ giùm, Hội còn xin hỗ trợ được 900 kg gạo để cấp cho người nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch.