Một ngày trước, chính quyền phát 5 phiếu đến từng hộ dân, để họ dùng trong 15 ngày. Phiếu ngày lẻ màu xanh, ngày chẵn màu hồng, có đóng dấu đỏ của UBND quận. Hôm nay ngày chẵn (12/8), người dân đi chợ theo phiếu màu hồng. Trên phiếu ghi thông tin đại diện hộ gia đình, địa chỉ, số điện thoại. Mỗi thẻ chỉ có giá trị sử dụng một lần tại một chợ bất kỳ trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Trước đó, lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng giải thích việc phát phiếu chẵn, lẻ để tương ứng với các ngày trong tháng. "Người dân sẽ đi chợ 3 ngày một lần. Hôm nay họ đi chợ ngày chẵn thì ba ngày sau là ngày lẻ (ví dụ đi chợ ngày lẻ vào 15/8, ba ngày sau là ngày chẵn 18/8), từ đó chúng tôi phát 5 phiếu tương ứng với 15 ngày thực hiện", vị này nói.
Tại các trung tâm thương nghiệp lớn như chợ Cồn, chợ Đống Đa (quận Hải Châu), ban quản lý chợ đặt bàn ghi thông tin ngay cổng, người dân điền vào rồi nộp lại phiếu. Ban quản lý chợ thu và lưu lại theo ngày để phục vụ điều tra dịch tễ khi cần thiết. Trước khi vào chợ mua đồ, người dân bắt buộc phải rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt. Các dây barie được căng lên phân luồng hai lối ra vào.
Ở lối ra, trên tay các bà nội trợ lúc lỉu túi cá, thịt mua đủ cho ba ngày. Nhiều người phải gọi người thân, xe ôm đến chở mới hết số thực phẩm mang về.
Xách hai túi thịt, một túi cá kèm trái cây, rau củ cho gia đình bốn người trong ba ngày, chị Nguyễn Thị Kim Chi (phường Vĩnh Trung) nói "không thấy phiền phức", ngược lại yên tâm hơn khi số người đi chợ ít hơn mọi ngày. Từ khi dịch tái bùng phát, chị giữ thói quen 3 - 5 ngày mới ra chợ, tránh đến nơi đông người. Thậm chí có buổi chị chọn đi muộn, lựa lúc chợ ít người để mua bán dù không còn nhiều đồ tươi.
Đứng đợi ghi thông tin vào chợ, bà Hà Thị San, 60 tuổi, cho biết chiều qua tổ dân phố đã đi từng nhà phát phiếu. Bà ủng hộ quy định mới, bởi đó là một trong phương án phòng dịch, có thể truy vết, khoanh vùng những người liên quan nếu có ca lây nhiễm phát sinh trong cộng đồng.
Trước dịch, ngày nào bà cũng đi chợ mua đồ tươi, nay ba ngày đi chợ một lần song "không phải là chuyện quá khó khăn". Bà cho rằng "mỗi người Đà Nẵng cố gắng một tí, khi nào thành phố hết dịch, thích đi chợ mua gì, sắm gì không ai cấm".
Song quy định mới cũng gặp những ý kiến trái chiều. Nhiều người an tâm khi mật độ người đi chợ giảm, nhưng phàn nàn "quá sức bất tiện" khi phải xách nhiều đồ.
"Mỗi nhà chỉ được một người đi chợ, mua đồ cho mười hai miệng ăn trong ba ngày, tủ lạnh không chứa hết", một bà nội trợ cho biết. Chị này tính đến phương án đi siêu thị gần nhà nếu hết đồ ăn. Nhưng đó không phải là ưu tiên, bởi siêu thị không có nhiều đồ tươi, không phải "cái gì cũng có" như chợ truyền thống.
Ông Trần Thanh Đác, Phó ban quản lý chợ Đống Đa cho biết ngày đầu tiên thực hiện quy định mới, nhiều người chưa nắm được thông tin, hoặc không mang thẻ đã "lời ra tiếng vào". Ban quản lý chợ phải giải thích, hướng dẫn để người dân chấp hành.
Tại nhiều khu vực, việc in thẻ cho dân chưa hoàn thiện nên nhiều người dân ở một số phường thuộc quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ khi đi chợ chưa phải kiểm soát. Họ được ban quản lý chợ nhắc nhở đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt.
Sáng nay, người dân ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) phải đến chợ của các phường lân cận mua sắm, do chợ của phường này đã được cơ quan chức năng tạm đóng cửa vì liên quan đến ba ca mắc nCoV.
Ông Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, cho biết ba ca dương tính trên địa bàn khai dịch tễ từng đến chợ này mua sắm. "Trong sáng 12/8, chợ đã được khử khuẩn. Hôm qua, hơn 400 tiểu thương, người dân liên quan đến các ca dương tính đi chợ đã được lấy mẫu xét nghiệm. Vì chưa có kết quả nên chợ tạm đóng cửa", ông nói.
Sáng 11/8, Sở Công Thương Đà Nẵng gửi thông báo đến UBND các quận, huyện và công ty quản lý các chợ, thông báo về việc "phân chia tần suất đi chợ của người dân" trên địa bàn thành phố. Chiều tối qua và rạng sáng nay, nhiều phường đã gấp rút in thẻ, chuyển cho tổ dân phố phát tận nhà cho người dân. Một số phường do dân cư đông, nên tạm thời phát trước thẻ màu hồng để dân đi chợ trong hôm nay.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương, nói quy định trên nhằm hạn chế tình trạng người dân đi chợ nhiều lần, rủ thêm người khác đi cùng, dẫn đến việc điều tra dịch tễ khó khăn khi có ca bệnh liên quan đến chợ. "Rất mong người dân chung tay phòng chống dịch, khi dự báo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và khó lường", ông nói.
Từ ngày 25/7 đến 18h ngày 11/8, Bộ Y tế công bố tại Đà Nẵng ghi nhận 283 trường hợp mắc Covid-19. Thành phố đã xác định hơn 10.000 người là F1 của các bệnh nhân được cách ly; nhiều khu dân cư, trung tâm y tế tuyến quận bị phong tỏa. Hơn 51.000 người đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Hoàng Phương - Nguyễn Đông