Theo khoản 1, khoản 2 Điều 364 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án như sau:
1. Chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.
2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 7 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm thì chánh án tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.
Như vậy, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm có trách nhiệm ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho chánh án tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.
Trong trường hợp ủy thác quyết định thi hành án thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành, chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.
Hiện pháp luật chưa có quy định về việc người phải thi hành án hình sự làm đơn đề nghị ra quyết định thi hành án.
Trường hợp chú bạn đã nhận được quyết định thi hành án từ Tòa án có thẩm quyền, theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, chú bạn phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án.
Đối với việc xin chuyển về trại giam gần nhà: Hiện nay, pháp luật cũng chưa quy định về việc đưa phạm nhân đến nơi chấp hành án theo nguyện vọng của cá nhân hoặc gia đình phạm nhân.
Tuy nhiên, căn cứ yêu cầu quản lý, giam giữ, công tác giáo dục, dạy nghề đối với phạm nhân theo quy định của pháp luật và chính sách nhân đạo của Nhà nước thì Thủ trưởng Cơ quan Quản lý Thi hành án hình sự Bộ Công an có thể xem xét, đưa người bị kết án phạt tù đến nơi chấp hành án, điều chuyển phạm nhân giữa các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đối với một số trường hợp cá biệt như:
– Con gia đình liệt sĩ;
– Con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
– Bản thân phạm nhân là thương binh;
– Là người có công với nước hoặc đã lập công giúp lực lượng công an ngăn chặn, điều tra, khám phá tội phạm hoặc lập công lớn trong quá trình chấp hành án, bảo vệ an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;
– Phạm nhân bị bệnh nặng do cơ quan y tế cấp tỉnh trở lên kết luận trong hồ sơ bệnh án.
Nếu thuộc một trong những trường hợp nêu trên, chú bạn có thể làm Đơn đề đạt nguyện vọng được chuyển về trại giam gần nhà. Các giấy tờ cần chuẩn bị bao gồm: Đơn có xác nhận của giám thị trại giam, trại tạm giam, trưởng nhà giam giữ và đơn đề nghị có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú về điều kiện bản thân.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội