Vào một ngày Giáng sinh, chuông điện thoại nhà Paolo Di Canio chợt reo vang. Cô vợ Betta, nhấc máy và nói với chồng rằng, có người muốn gặp.
"Ai gọi vậy?" Di Canio hỏi.
Betta thì thầm: "Alex Ferguson".
Di Canio chắc mẩm người gọi là một gã bạn đểu nào đó giả danh. Ông cáu kỉnh cầm ống nghe và đợi kẻ chơi khăm bật cười. Nhưng đó thực sự là HLV Ferguson và lời chúc Giáng sinh của nhà cầm quân lừng danh là mời Di Canio khoác áo Man Utd.
Song, tiền đạo người Italy lịch sự từ chối. Di Canio không thể rời West Ham, bởi lúc đó, ông là đội trưởng của đội bóng và còn nặng tình với sân Upton Park. "Cậu đúng là gã mà tôi đã nghĩ", Sir Alex nói rồi cúp máy.
Giai thoại trên được chính Di Canio kể lại, nhưng chẳng mấy ai tin. Mãi sau này, Ferguson mới xác nhận câu chuyện trong cuốn tự truyện thứ hai của ông. Huyền thoại người Scotland viết: "Tôi đã cố gắng để chiêu mộ Paolo. Các thỏa thuận đã được thực hiện. Chúng tôi đã đưa ra một đề nghị mà cậu ta không thể chối từ. Sau đó, Paolo đòi hỏi nhiều hơn nữa và chúng tôi không thể đồng ý. Nhưng rõ ràng, cậu ta là mẫu cầu thủ mà Man Utd nên có. Một mẫu người có thể gật đầu ngay, nhưng lắc cũng nhanh. Tôi đã có những cầu thủ như thế trong suốt thời gian ở Man Utd".
Di Canio không bao giờ chấp nhận ý tưởng ông là Cantona thứ hai của Ngoại hạng Anh. Trong mắt Di Canio, Cantona chỉ có thể đóng vai quần chúng trong phim bom tấn rất hay, nhưng không thể trở thành kép chính trong những bộ phim sau đó. "Cantona nom biểu cảm mạnh mẽ và khuôn mặt rất điện ảnh, nhưng cứ thử xem phim của ông ta đi, Cantona diễn cứng như gỗ và chả có tí cảm xúc nào", Di Canio nói về ngôi sao cùng thời.
Khác biệt mà Di Canio nhìn thấy là rất rõ ràng. Ông không bao giờ đồng tình với so sánh giữa hành động xô ngã trọng tài xuống sân của bản thân và cú kung-fu kinh điển của Cantona vào một CĐV Crystal Palace, dù cả hai đều được xem là những khoảnh khắc gây sốc nhất lịch sử Ngoại hạng Anh.
Khi thi đấu, Di Canio hay Cantona khiến người phấn khích bằng một bàn thắng tuyệt đẹp hoặc một phản ứng điên rồ, táo bạo và không thể lãng quên.
Cảm giác ấy cũng giống như khi khán giả xem đoạn hội thoại trong Top Gun - một phim bom tấn do tài tử Tom Cruise thủ vai chính, dưới đây:
"Người Băng: Chúng mày thực sự là đám cao bồi.
Maverick: Thế thì sao chứ Kazansky?
Người Băng: Mày là rắc rối của mọi người. Vì mỗi khi cất cánh, mày đều tạo cảm giác không an toàn. Tao không thích mày vì mày quá nguy hiểm.
Maverick: Đúng thế, Người Băng. Tao cực nguy hiểm".
Trong phim, hai nhân vật này luôn bay mà không cần được lệnh, thi triển những kỹ năng ngoạn mục trên không trung. Tương tự, cả Catona lẫn Di Canio đều như đang ngồi trong chiếc F4 của họ, bắn hạ những chiếc tiêm kích của đối phương trên sân cỏ. Nhưng chẳng hãng phim nào ở Hollywood cho phép diễn viên của họ xăm hình tên trùm phát xít Mussolini - như Di Canio - rồi cởi trần chơi bóng chuyền như gã phi công trong Top Gun.
Nhiều người có thể cười to khi cho rằng Di Canio chém gió về khả năng vẫn có thể chơi bóng hoàn hảo ở tuổi 52. Hay như khi cùng đội Huyền thoại Milan đấu Huyền thoại Arsenal tại Emirates năm 2016 - trận đấu mà Nwanko Kanu lập hat-trick, Di Canio vỗ ngực rằng ông chỉ xem trận cầu này như cữ tập nhẹ để mài sắc bản lĩnh chiến binh Sparta kiêu hùng.
Nhưng tính cách ấy, theo cựu HLV West Ham - Harry Redknapp, là một phẩm chất đáng quý: "Thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp và khát khao chiến thắng là những phẩm chất mà những ngoại binh tốt nhất lịch sử như Paolo mang đến, giúp bóng đá Anh thay đổi".
Về sau, khi làm HLV, phong thái chuyên nghiệp này của Di Canio dẫn tới một cuộc nổi loạn ở Sunderland, nơi ông cấm các cầu thủ ăn tương cà chua, sốt mayonnaise hay uống coca với đá lạnh. Nhưng thời ở West Ham, những tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà Di Canio mang tới và yêu cầu các đồng đội tuân thủ đã tạo ra biến chuyển tích cực. Thậm chí, Di Canio còn được xem là người góp phần thay đổi văn hóa trong đời sống bóng đá Anh thời đó. Quy định mà Di Canio đặt ra cho các đồng đội West Ham thậm chí được so sánh với "Bước Đại Nhảy Vọt" về mặt chuyên nghiệp mà HLV Arsene Wenger từng thực hiện ở Arsenal cuối những năm 1990, với món súp lơ xanh được đưa vào thực đơn hàng ngày của cầu thủ.
"Này, lão già mắc dịch! Sếp đến đây mà xem. Bọn tôi đang khởi động rất nghiêm túc. Thế quái nào thằng cha Razor Ruddock cứ lải nhải về việc nốc rượu tối qua? Hắn nói thật hay chém gió vậy? Còn tay Johnny Moncur đang nhăn nhở cười, không hề tập trung vào chuyên môn. Chuyện quái gì đang xảy ra ở đây vậy?", Di Canio từng hét như thế vào mặt HLV Redknapp khi chứng kiến các đồng đội West Ham thiếu nghiêm túc.
Di Canio quả quyết ông từng tập luyện hai tiếng rưỡi mỗi ngày, cả trong những ngày nghỉ. Nhưng thật sự, những điều đó vẫn không thể giúp ông tạo được tầm ảnh hưởng lên các cầu thủ West Ham như cách Cantona từng tác động lên thế hệ 1992 trứ danh của Man Utd.
"Nhiều lúc bọn tôi tập luyện ở Chadwell Heath, khi trời lạnh cóng và mưa như trút nước. Lúc đó, tôi thường tự hỏi Di Canio đang ở đâu? Có lẽ, anh ta đang trên máy bay về Italy rồi trở lại London vào thứ Năm, rồi sẵn sàng thi đấu vào thứ Bảy", Frank Lampard nhớ lại.
Không chỉ thế, ngay ở những hôm có mặt trên sân tập, trong khi HLV Redknapp và các trợ lý bận chỉ đạo tập luyện cho các cầu thủ, Di Canio lại chuồn ra một góc sân cùng một HLV thể lực, công khai tập một số bài tập thể lực kỳ dị.
Nhưng cá tính mạnh mẽ và những trò nổi trội của Di Canio là một lợi thế. Nó khiến ông được các HLV trao cho băng thủ quân dù là ở Celtic, Sheffield Wednesday và West Ham. "Mọi người chỉ trích tôi vì đủ lý do, nhưng tôi biết đám sếp sòng đều thấy tố chất thủ lĩnh bẩm sinh của tôi, thứ có thể truyền cảm hứng cho các cầu thủ khác. Liệu điều đó có xảy ra nếu tôi cứ hiền như cún, luôn xun xoe lấy lòng sếp hay không? Không bao giờ nhé", Di Canio bình phẩm.
Tính cách gai góc của Di Canio ở West Ham dạo đó ít nhiều đã giúp ích cho cả một thế hệ tuyển thủ Anh siêu hạng về kỹ thuật trưởng thành từ CLB này. Lứa ấy gồm Lampard, Joe Cole, Michael Carrick và Rio Ferdinand.
"Trước lúc tập, Di Canio ăn gì vậy sếp?", Ferdinand luôn hỏi Redknapp câu đó khi HLV này bắt trung vệ tuổi teen lúc đó phải một kèm một với Di Canio trên sân tập.
Điều này đã giúp những đồng đội của Di Canio kể trên, khi đó vẫn là đám trẻ trâu, tiến bộ đáng kể. Về sau, chính Sir Alex cũng bị ấn tượng bởi ảnh hưởng của tiền đạo người Italy lên những Carrick hay Ferdinand, để rồi ông lần lượt đưa hai ngôi sao này về Man Utd.
HLV Redknapp về sau cũng xem Di Canio là bản hợp đồng tốt nhất mà ông từng thực hiện, và là cầu thủ tài năng nhất dưới trướng, cùng với Gareth Bale ở Tottenham sau này.
West Ham đã trả cho Sheffield Wednesday 1,7 triệu bảng để sở hữu Di Canio năm 1999. Khi đó, Di Canio mới 30 tuổi và thâm niên hai năm rưỡi chơi bóng tại Anh. Nhưng ngay cả chuyện Di Canio chuyển đến Ngoại hạng Anh thi đấu cũng xuất phát từ những tiếng chửi, như ví dụ dưới đây:
"Sự nghiệp của mày coi như tiêu rồi, Di Canio! Mày cút đi! Tất cả đã chấm hết! Đã kết thúc rồi", HLV Giovanni Trapattoni của Juventus hét lên sau khi bị Di Canio đẩy ngã sõng xoài trong phòng thay đồ.
"Cút ngay. Mày biến ngay khỏi tầm mắt của tao!", đến lượt HLV Fabio Capello của AC Milan đã hét lên sau khi ông và Di Canio va chạm trong giờ giải lao một trận đấu giao hữu trước mùa giải ở Trung Quốc.
"Cút ra! Cút ngay!", đó là tiếng gầm của Tommy Burns, HLV Celtic nổi cơn tam bành khi nghe Di Canio nhục mạ đồng đội: "Chúng ta thua Rangers mãi mãi chỉ vì bọn khốn kiếp chúng mày. Chúng mày chuyền bóng như phân, chơi bóng như phân. Cả lũ chúng mày tệ hết chỗ nói".
Những quả bom "CÚT" đã thúc đẩy Di Canio đến Ngoại hạng Anh. Số lượng từ "CÚT" mà Di Canio nhận được cũng nhiều như thể lực sung mãn và sự tinh tế trong thi đấu của ông. Bologna và Napoli đã muốn đưa Di Canio về Serie A, sau khi ông gặp rắc rối với Chủ tịch Fergus McCann của Celtic. Nhưng các đội bóng hàng đầu của Serie A cũng không thể chứa chấp được tính cách nổi loạn đó. Paolo Maldini từng nói về sự nghiệp bóng đá của Di Canio ở quê hương như sau: "Anh ta không thể tối đa hoá tài năng của mình và trở thành mẫu cầu thủ chuẩn mực".
Vì vậy, Di Canio đến với Ngoại hạng Anh mà không hề có vầng hào quang như kiểu những nhà vô địch Champions League Ruud Gullit hay người đồng đội cũ Gianluca Vialli. Ngay cả Gianfranco Zola cũng quen thuộc hơn với người hâm mộ Anh vì vai trò đầu tàu trong các chiến dịch của Parma tại các Cup châu Âu cũng như những lần chinh chiến cùng Italy ở World Cup 1994 hay Euro 1996.
Di Canio chưa bao giờ khoác áo tuyển Italy. HLV Cesare Maldini thậm chí còn không thèm triệu tập cầu thủ ghi 12 bàn trong một mùa giải cho Sheffield Wednesday. Thay vào đó, ông gọi Francesco Moriero của Inter vào danh sách đi Pháp dự World Cup 1998. Với một người nổi tiếng yêu nước, tới mức cực đoan như Di Canio, không có cơ hội khoác áo ĐTQG là một trong những tiếc nuối lớn nhất sự nghiệp.
Năm 1998, Ngoại hạng Anh bị xem là kém xa so với Serie A và chỉ có những cầu thủ đã hết thời ở giải đấu số một Italy mới chấp nhận sang Anh thi đấu, như Zola, Gullit hay Vialli. Nhưng dù sao, Di Canio đã tìm thấy bình yên ở đây. Bạn đừng vội tin những lời mô tả của ông về nền bóng đá Anh ví dụ như "hệt như thời kỳ hậu khủng hoảng hạt nhân" cho thời ở Glasgow hay "một thứ gì đó ở Đông Âu trước khi Bức Màn Sắt của Chiến Tranh Lạnh sụp đổ" cho thời ở Sheffield.
Các HLV Ron Atkinson và Redknapp đã giải phóng được tài năng của Di Canio. Họ sẽ không bao giờ loại bỏ tài năng của tiền đạo người Italy, hoặc hy sinh Di Canio trên "bàn thờ chiến thuật" như cách Capello và Trapattoni đã làm.
"Đất nước này đã cải lão hoàn đồng sự nghiệp của tôi. Tôi được tiếp xúc một thứ bóng đá mới. Đó là một phong cách bóng đá mà có lẽ tôi đã mang trong mình suốt cuộc đời, nhưng Serie A không thể làm nó hiển lộ. Ở Italy, tôi luôn cảm thấy xa lạ. Còn ở đây, tôi được là chính mình", Di Canio viết trong tự truyện do ký giả lừng danh Gabriele Marcotti chấp bút.
Tốt và Xấu, hãy cứ để Parlo là Parlo. HLV Redknapp thường gọi Di Canio là Parlo, chứ không phải Paulo như tên đúng của danh thủ Italy. Không một CĐV nào của West Ham có thể quên được chiến thắng 5-4 trước Bradford City vào tháng 2/2000. Di Canio hôm đó buồn bã sau một quả penalty bị từ chối, và ông quyết định chạy ra ngoài sân, từ chối thi đấu vì thất vọng. Lúc đó, West Ham đang bị dẫn 2-4.
"Tôi không đá nữa", Di Canio hét lên và ngồi xuống để phản đối. Nhưng HLV Redknapp đã cho thấy tài đắc nhân tâm - kỹ năng mà Carrick mô tả là như "tháo kíp nổ một quả bom". Ông nói gì đó với Di Canio, và tiền đạo này lại vào sân thi đấu, để rồi truyền cảm hứng cho màn ngược dòng.
West Ham sau đó được hưởng quả phạt đền ở phút 65. Di Canio kiên quyết bắt Lampard phải nhường để ông thực hiện. Ferdinand kể lại: "Nếu Di Canio đá hỏng, chắc chắn Lampard sẽ ăn trứng thối vì nhường quả 11 mét". Nhưng Di Canio sút thành công. Sau đó, Cole gỡ hoà 4-4, và đến phút 83, chính Di Canio đá phạt góc để Lampard ghi bàn ấn định thắng lợi 5-4.
Khi nhìn lại, chúng ta có thể hiểu tại sao cầu thủ người Italy cảm thấy ông xứng đáng được bầu làm "Cầu thủ hay nhất năm của PFA" ở mùa đó - vinh dự về sau được trao cho Roy Keane. Có lẽ, tiếng xấu của Di Canio đã chống lại ông, cho dù Keane cũng xấu chẳng kém.
Trong 30 trận ở Ngoại hạng Anh mùa 1999-2000 đó, Di Canio ghi 16 bàn và 13 lần kiến tạo. Cú vô lê tuyệt đẹp của ông vào lưới Wimbledon, được chương trình Match Of The Day bình chọn là "Bàn thắng của mùa giải". Đến giờ, đó vẫn là một trong pha làm bàn mang tính biểu tượng của giải đấu số một hành tinh này.
"Những gì tôi đã làm là vô cùng khó, vì cú vô-lê đó đòi hỏi sự kiểm soát cân bằng toàn thân, phải tính toán thời gian và trọng lực. Để so sánh với một cú đá xe đạp chổng ngược hoặc cắt kéo, cú vô lê của tôi khó hơn nhiều. Khi tôi chạm bóng, cả hai chân đều đang ở trên không, và chỉ có thể tác động lực ngay để bóng bay vào lưới", Di Canio kể lại.
Nhưng bất chấp phong độ đỉnh cao ấy, Di Canio vẫn bị ngó lơ khi Italy lên đường sang Bỉ - Hà Lan dự Euro 2000. Công bằng mà nói, HLV Dino Zoff đã có Alessandro Del Piero, Francesco Totti, Pippo Inzaghi, Vincenzo Montella và Marco Delvecchio để lựa chọn. Tuy nhiên, vị trí của Di Canio ở Ngoại hạng Anh và West Ham vẫn là bất khả xâm phạm.
Và cầu thủ từng bị cấm thi đấu 11 trận vào năm 1998 - vì xô ngã trọng tài Paul Alcock - rồi cũng đã giành được giải thưởng FIFA Fair Play. Đó là sự ghi nhận cho hành động đẹp của ông trong trận hòa 1-1 với Everton vào tháng 12/2000.
Di Canio có bóng trong tình huống thủ môn Paul Gerrard bị chấn thương và cần chăm sóc. Ông có thể ghi bàn từ quả tạt của đồng đội, nhưng lại chọn cách ôm quả bóng để dừng trận đấu. West Ham khi đó đang rất cần điểm để trụ hạng, nhưng số 10 của họ đã chọn cách lắng nghe lời khuyên của các thiên thần.
"Tôi bàng hoàng không hiểu điều gì vừa xảy ra. Còn tay trợ lý Stuart Pearce cứ lẩm bẩm khi bước vào phòng thay đồ rằng 'Đừng để tôi gặp mặt hắn. Nếu không, tôi sẽ giết hắn, sẽ đấm nát đầu hắn'. Hai phút sau, tôi phải trả lời phỏng vấn trực tiếp trên sóng của đài Sky, mọi người ở đó đều reo lên ‘Thật là một ngày tuyệt vời của bóng đá’. Thế đấy", Redknapp nhớ lại.
Di Canio là gương mặt đại diện cho Ngoại hạng Anh của đài Sky Italia suốt bốn năm qua. Nhưng ông cũng bị cấm lên sóng bốn tháng sau khi tập đầu tiên của chương trình được phát sóng, với hình ảnh Di Canio để lộ hình xăm DVX - biểu thị sự ủng hộ chủ nghĩa phát xít của trùm phát xít Benito Mussolini - và bị dư luận phản ứng kịch liệt.
Điều này cũng giống như sự cố ở Sunderland vào năm 2013. Khi thành viên Hội đồng quản trị của CLB và là cựu ngoại trưởng David Miliband đã từ chức để phản đối việc bổ nhiệm Di Canio làm HLV. Họ vẫn nhớ kiểu chào phát xít La Mã của ông khi còn khoác áo Lazio.
Thậm chí, Di Canio cũng tự hỏi tại sao hình xăm và tư thế chào của ông lại gây kích động như vậy, trong khi lý do ông ngưỡng mộ trùm phát xít Italy trong những năm 1920 không có gì mới và đã được giải thích cặn kẽ trong các cuốn sách của mình.
Khi tờ báo Il Corriere della Sera yêu cầu làm rõ quan điểm chính trị của mình một lần và mãi mãi vào năm 2017, Di Canio cho biết chủ nghĩa bài Do Thái của Mussolini, sự ủng hộ chủ nghĩa Quốc xã và luật kỳ thị chủng tộc "luôn khiến anh ghê tởm".
Đối với Giacomo Matteotti - chính trị gia xã hội chủ nghĩa khét tiếng bị chính quyền Phát xít đập chết bằng thước thợ mộc vào năm 1924, Di Canio mô tả "đây là nạn nhân của một vụ giết người chính trị kinh hoàng". Liệu Di Canio có hy vọng, chia sẻ đó có thể thay đổi cách người đời nhìn nhận ông hay không?
Có, Di Canio hy vọng như thế, nhưng cũng chấp nhận: "Tôi không thể thuyết phục tất cả. Tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi những định kiến. Nhưng tôi vẫn sống với cái đầu ngẩng cao. Các con gái của tôi biết cha của chúng là người thế nào. Các hình xăm là biểu tượng của tôi, cho dù nó sai lầm, hay khiến người đời phẫn nộ".
Dù người ta có thể nghĩ gì về niềm tin của ông, Di Canio luôn trung thực, không bao giờ che giấu con người thực. Những gì chúng ta nhìn thấy là những gì Di Canio cho cả thế gian thấy. Di Canio như đeo "trái tim" của ông ngay ngoài vạt áo để ai cũng nhìn thấy tâm đen, tâm đỏ của ông.
Di Canio vẫn sống với tràn đầy niềm đam mê, sự cuốn hút, và chân thật giống như một câu ngạn ngữ Italy cổ: "Không có lông mọc trên lưỡi". Không có gì có thể ngăn Di Canio nói những gì ông nghĩ trong đầu, hoặc hành động theo sự bốc đồng. Nó làm cho Di Canio vẫn nóng rực trên truyền hình như khi ông còn tung hoành trên các sân cỏ.
Chỗ nào, Di Canio đã đặt mông lên, chỗ đó không ai có thể ngồi lại được. Đó là lý do tại sao Sir Alex Ferguson đã gọi điện cho ông.
Trâm Anh (theo The Athletic)