Đây là chính sách đãi ngộ nằm trong đề án Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại Đại học Quốc gia TP HCM, giai đoạn 2023-2030.
TS Lê Thị Anh Trâm, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết đại học này kỳ vọng thu hút được 350 nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên, còn ít nhất 5 năm công tác đến khi hết tuổi lao động, thành thạo tiếng Anh để giảng dạy, nghiên cứu. Các nhà khoa học sẽ được đảm bảo chính sách phát triển, lộ trình nghề nghiệp trong 5 năm.
Cụ thể, các nhà khoa học trẻ trong hai năm đầu sẽ được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng). Năm thứ ba, họ tiếp tục được cấp một đề tài loại B với kinh phí cao nhất là 1 tỷ đồng.
Với các nhà khoa học đầu ngành, trong hai năm đầu, họ được giao làm trưởng nhóm hoặc trung tâm nghiên cứu, được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu và xây dựng cộng đồng nghiên cứu trong và nước ngoài, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và một đề tài nghiên cứu loại B.
Chính sách thu nhập sẽ tùy theo từng trường thành viên, gồm: lương, thưởng, các khoản phụ cấp, thu nhập do giảng dạy vượt giờ chuẩn, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Ngoài ra, Đại học Quốc gia TP HCM hỗ trợ nhà ở công vụ với người có nhu cầu.
Cách đây 3 tháng, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng công bố chiến lược thu hút nhà khoa học xuất sắc, đầu tư 3 tỷ đồng để nghiên cứu trong ba năm. Yếu tố "xuất sắc" sẽ do đại học này xác định. Về cơ bản, họ phải đáp ứng được nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể nào đó do đại học này đưa ra.
Đề án của hai đại học Quốc gia nằm trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đơn vị sớm ban hành cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ; tập trung gỡ bỏ rào cản hành chính trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.
Các chỉ số nghiên cứu khoa học hiện chiếm trọng số cao trong các tiêu chí xếp hạng đại học thế giới. Đầu tư cho nghiên cứu cũng nhằm đa dạng hóa nguồn thu ngoài học phí.
Đại học Quốc gia TP HCM hiện dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus (2.494 bài báo) và số lượng chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế (125 chương trình). Theo bảng xếp hạng QS, đại học này thuộc top 800-1.000 thế giới, top 167 châu Á.
Năm 2023, nguồn thu từ chuyển giao khoa học công nghệ của đại học này là 288,5 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Lệ Nguyễn