Điều này trái với Quy chế trường ĐHDL do Thủ tướng ban hành và Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định "ĐHDL nhất thiết phải có phó hiệu trưởng" và các nghị quyết của chính hội đồng quản trị (HĐQT) nhà trường cũng đòi hỏi hiệu trưởng phải bổ nhiệm phó hiệu trưởng.
Gia đình hiệu trưởng có 7 người được tuyển dụng bổ nhiệm vào các chức vụ trọng yếu trong trường "phớt lờ" HĐQT, mặc dù nhiều người chưa đủ điều kiện được tuyển dụng làm cán bộ cơ hữu của trường.
Trong các hội đồng, các ban nhà trường, người nhà, người thân hiệu trưởng chiếm tới quá nửa. Ví dụ Hội đồng tuyển sinh năm 2001 có 50% là người nhà hiệu trưởng. Các ban đề thi, ban chấm thi, ban phúc khảo, mỗi ban 3 người thì 2 người là hiệu trưởng và vợ hiệu trưởng. Chính vì vậy, mà trường đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT khi tuyển vào học nhiều sinh viên không có đủ điểm chuẩn theo nguyện vọng bổ sung năm 2002.
Hiệu trưởng cũng tỏ ra quá dễ dãi khi nhận con trai của mình từ Ba Lan về học khoá 1 của trường trong khi không có công văn đồng ý của Bộ GD&ĐT.
Hiệu trưởng để nhiều loại quỹ rải rác trong các phòng, ban, kế toán tài vụ không quản lý được (quỹ đen), tự ý quyết định một số chế độ tài chính (nâng lương, chi thưởng) không báo HĐQT. Thống kê thu nhập qua sổ sách và chứng từ cho thấy, trong 12 người có thu nhập cao nhất trường, thì gia đình hiệu trưởng có 6 người. Năm 2003, vợ chồng hiệu trưởng có thu nhập 674,5 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ các quỹ ngoài sổ sách không thống kê được.
Mới chỉ xem xét thủ tục xây dựng cơ bản đã thấy hầu như hiệu trưởng không chấp hành đúng những quy định về xét duyệt dự án, thiết kế, dự toán công trình, trình tự đấu thầu, thi công... mặc dù HĐQT đã có nghị quyết yêu cầu được xem xét các thủ tục nói trên, song ông hiệu trưởng vẫn tự ý "quyết"!
Ngày 19/12/2001, HĐQT quyết định tổng mức đầu tư vào khu ký túc xá - thể dục thể thao sinh viên không quá 30 tỷ đồng, song hiệu trưởng tự quyết định chọn thầu thi công và kết toán tới 50 tỷ đồng khiến cho hiện nay nhà trường mắc nợ 45 tỷ đồng, vẫn phải trả lãi hàng tháng (trên 3 tỷ đồng/năm).
Hiện nay hiệu trưởng vẫn tự quyết định và chi tiền cho dự án xây dựng khu trung tâm công nghệ cao, dù không có nghị quyết của HĐQT.
Thanh tra cho rằng thiếu sót lớn nhất của HĐQT là quá nể nang hiệu trưởng, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ thứ 8 (trong 8 nhiệm vụ của mình) đó là "giám sát hiệu trưởng". Và khi biết rõ hiệu trưởng cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước, đã không thực hiện nhiệm vụ thứ 4 "Đề cử, đề nghị, công nhận hoặc đề nghị không công nhận người giữ chức vụ hiệu trưởng...".
Do đó thanh tra khuyến nghị HĐQT cần sử dụng quyền hạn của mình ra nghị quyết về tư cách của hiệu trưởng, đề nghị Bộ GD&ĐT ra quyết định không công nhận hiệu trưởng, đình chỉ ngay hoạt động điều hành của GSTS Trần Hữu Nghị và bổ nhiệm hiệu trưởng mới.
Bãi miễn ngay chức danh 4 trợ lý hiệu trưởng, bầu ra các phó hiệu trưởng; bãi bỏ các loại "quỹ đen"; đình chỉ triển khai các loại dự án đầu tư xây dựng chưa được HĐQT xét duyệt; chấm dứt hợp đồng thuê nhà riêng hiệu trưởng làm nhà khách giáo viên khi nhà trường đã có cả một "khách sạn" sinh viên...
Ngày 15/9, thầy Phạm Trọng Hiệp, thành viên HĐQT, Trưởng đoàn thanh tra nội bộ nhà trường cho biết, đoàn thanh tra có báo cáo kết luận thanh tra và được HĐQT nhà trường biểu quyết thông qua việc bãi miễn hiệu trưởng với tỷ lệ gần như tuyệt đối (6/7).
(Theo Lao Động)