Ngoài ra, một số hóa đơn có dấu hiệu giả mạo chứng từ như: hóa đơn tiếp khách ở những nhà hàng khác nhau nhưng cùng xuất phát từ một quyển và có số hiệu kế tiếp nhau… Và mặc dù không hợp lệ nhưng chúng vẫn được thanh toán. Theo phía nhà trường thì “người được thanh toán các hóa đơn này đã nhận thấy sai sót và rút kinh nghiệm”, vì trên thực tế có chi số tiền đó trong lần đi công tác tại Tây Nguyên và TP HCM. Hay việc sửa chữa điện cho ký túc xá từ năm 1995 (hơn 30 triệu đồng) nhưng hóa đơn mua hàng lại là năm 1997…
Tiền học phí không được dùng đúng mục đích
Năm 1998, ĐH Đà Lạt chi hơn 67 triệu đồng trích từ 10% học phí các lớp quản trị kinh doanh tại chức mở tại Nha Trang để “chi hỗ trợ khó khăn” cho 33 cán bộ của trường, thấp nhất 100.000 đồng và cao nhất là ông hiệu trưởng với số tiền 7 triệu đồng. Trong số 10 người được chi cao nhất (4-7 triệu đồng) hầu hết là cán bộ lãnh đạo (lên đến 49 triệu đồng), trong khi số tiền còn lại dành cho 23 cán bộ khác chỉ 18,1 triệu đồng. Ngoài ra còn có một khoản “chi hỗ trợ lãnh đạo Bộ GD&ĐT” với số tiền 35,5 triệu đồng, mà theo lời Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức là để “đảm bảo nhiều việc”. Ông Đặng Xuân Vinh (Trưởng phòng Hành chính quản trị), cho biết lý do để chi khoản tiền trên là: “Đầu năm 1998, đồng chí hiệu trưởng tổ chức chuyến đi ra Bộ để chào và làm quen. Việc chi là do hiệu trưởng chỉ đạo”.
Ngay cả khi đoàn thanh tra Bộ Tài chính đang làm việc tại trường(ngày 19/7 đến 19/8/2000), vẫn có giấy đề nghị chi hỗ trợ cho các đoàn khách đến làm việc với số tiền 17 triệu đồng, mặc dù giấy đề nghị không nêu đoàn nào, chi cho ai…
Qua các bảng thống kê từ tháng 1/1998 đến tháng 6/2001, có 21 lần tuyển sinh với 2.782 thí sinh dự thi và 16 lần tổ chức thi tốt nghiệp cho hơn 2.300 sinh viên, nhưng chỉ duy nhất 1 lần thu lệ phí ôn thi lớp đại học tài chính ngân hàng với số tiền 15 triệu đồng là được phản ánh trên số kế toán của trường. Trong hơn ba năm đó, với trên 5.000 thí sinh dự thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp từ các lớp ĐH không chính quy, có tới trên 500 triệu đồng lệ phí đã được tổ chức tự thu tự chi nhưng không phản ánh trong hệ thống sổ sách kế toán của nhà trường.
Khi Bộ GD&ĐT duyệt cho trường được thanh lý xe Lada và trường đã bán cho ông V.T.L. với số tiền 25,5 triệu đồng, nhưng số tiền chi bồi dưỡng cho một số cán bộ lại đến 7,9 triệu đồng (khoảng 31% so với tiền bán xe). Theo ông hiệu phó Nguyễn Văn Tòng, chi nhiều là vì phải lập hội đồng giám định, hội đồng thanh lý, đấu thầu bán xe… Đó là chưa kể năm 2000, qua ba lần ký hợp đồng với tạp chí ĐH và GDCN trường đã mua đến 5.000 cuốn lịch (giá 12.000 đồng/cuốn) và 3.000 bao với tổng số tiền 60,6 triệu đồng. Trừ 355 cuốn bán, còn lại hơn 4.500 cuốn được phát không cho 32 đơn vị trong và ngoài trường, trong đó có đơn vị được “biếu” đến 936 cuốn.
(Theo Tuổi Trẻ)