Hoạt động bán chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) của các nhà băng đóng vai trò quan trọng trong khủng hoảng tài chính 2008. Nhiều ngân hàng Mỹ đã bị điều tra vì cáo buộc cho người không đạt chuẩn vay mua nhà, sau đó gom các khoản vay này lại, chứng khoán hóa chúng và bán cho nhà đầu tư mà không nói rằng chúng rất rủi ro. Việc này đã gây ra sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ, châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo thỏa thuận sơ bộ, Deutsche Bank sẽ trả 3,1 tỷ USD tiền phạt và chi thêm 4,1 tỷ USD cho các hoạt động như điều chỉnh khoản vay với chủ nhà và người đi vay tại Mỹ.
Hồi tháng 9, cổ phiếu Deutsche Bank đã xuống thấp nhất hơn 30 năm sau thông tin Bộ Tư pháp Mỹ đề nghị nhà băng này nộp phạt 14 tỷ USD. Nhà đầu tư lo ngại khoản phạt này sẽ khiến nhà băng thêm rắc rối. Do Deutsche Bank vốn đang lao đao vì các quy định kiểm soát nghiêm ngặt, chi phí pháp lý lớn và lãi suất toàn cầu đang thấp.
Truyền thông Đức thậm chí đưa tin nước này đang cân nhắc giải cứu Deutsche Bank. Tuy nhiên, Chính phủ sau đó đã bác bỏ thông tin này. Cổ phiếu nhà băng đã hồi phục phần nào, nhưng vẫn thấp hơn 20% so với đầu năm.
Vài năm gần đây, các ngân hàng khác tại Wall Street, gồm JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs và Morgan Stanley, đều phải nộp phạt với cáo buộc tương tự, với tổng số tiền lên tới 36 tỷ USD. Deutsche Bank cũng đã phải chi hàng tỷ USD để dàn xếp các cáo buộc khác về thao túng lãi suất toàn cầu và can thiệp tỷ giá.
Khoản phạt của Deutsche Bank thấp hơn đáng kể so với con số bị đề nghị ban đầu. Nhà băng dự báo lợi nhuận quý IV sẽ mất thêm 1,17 tỷ USD vì khoản tiền này. Tuy nhiên, họ không cho rằng các số liệu kinh doanh khác sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hà Thu (theo CNN)