Trong cuộc trò chuyện với Vogue hôm 19/7, kỹ sư dệt may Hà Lan Zsofia Kollar - nhà sáng lập Human Material Loop - cho biết khi phát hiện ra ngành dệt may gây ô nhiễm như thế nào, Kollar đã nhìn thấy tiềm năng của tóc người. Cô cho rằng tóc là vật liệu bền vững trong tương lai do có cấu trúc tương tự len.
Kollar và một nhóm nhà nghiên cứu đã phát triển một quy trình hóa học xanh để biến tóc thành sợi giống len. "Chúng tôi tăng độ uốn và tăng ma sát, do đó các sợi dính chặt với nhau hơn. Nếu không phải là chuyên gia, bạn sẽ không thể nhận ra sự khác biệt giữa len và tóc người sau khi xử lý", cô nói.
Theo Vogue, nhờ cấu trúc protein và có thể dễ dàng nhuộm, tóc trở nên lý tưởng cho ngành dệt may. Nó còn có lượng khí thải carbon thấp hơn nhiều so với hầu hết vật liệu nguyên sinh. Kollar nói: "Chúng tôi vừa thực hiện LCA (phương pháp đánh giá vòng đời) và nhận thấy làm vải từ tóc có tác động đến môi trường ít hơn 236 lần so với bông. Nếu chúng tôi mở rộng quy mô, đây sẽ là một bước ngoặt lớn".
Hiện Human Material Loop lấy tóc trực tiếp từ các salon và lên kế hoạch hợp tác với các công ty quản lý chất thải trong tương lai. Các chuyên gia nhận định tóc người không đi kèm với những lo ngại về phúc lợi động vật như len, nhưng việc đảm bảo chuỗi cung ứng "minh bạch 100%" vẫn rất quan trọng.
Nhà mốt Anh Javiera Decap cũng đồng tình với quan điểm trên. "Mặc dù hợp pháp, ngành buôn bán tóc hoàn toàn không được quản lý", đại diện nhà mốt nói với Vogue. Khoảng một năm nay, Javiera Decap bắt đầu quan tâm đến việc sử dụng tóc người trong các thiết kế. Hãng cũng nhận thấy sự tương đồng của tóc với len làm từ lông cừu. Sau khi đi xin tóc thải, họ kết hợp với len bằng cách dùng kim nỉ để kéo các sợi lại với nhau, trong đó họ dùng kim đâm các sợi nhiều lần, cho đến khi chúng trở thành nỉ cứng hơn và đem đi nhuộm.
Kết quả, họ tạo ra những chiếc đầm màu sắc mà nhiều người không biết làm từ tóc. Khi tiết lộ thông tin này, một số khán giả nói: "Ghê quá, tôi không muốn chạm vào những bộ quần áo này".
Vogue nhận định phát minh chất liệu vải sinh học từ những nguyên vật liệu gần gũi có sẵn đang là mối quan tâm hàng đầu trong ngành dệt may theo xu hướng thời trang bền vững. Ưu điểm của những loại vải này là có độ bền cao hơn, không sử dụng nhiều nước và thuốc trừ sâu như trồng cây bông, cũng không gây ô nhiễm môi trường như sợi polyester.
Trước vải làm từ tóc, thế giới đã có vải làm từ lá dứa, tơ sen, tơ chuối, nấm, sợi bạch đàn, táo, cà phê, vỏ hàu, rong biển, xương rồng, da Nanocellulose của công ty Polybion làm từ cách lên men vi khuẩn.
Họa Mi (theo Vogue)