Thứ hai, 16/9/2024
Thứ tư, 20/10/2021, 08:24 (GMT+7)

Dệt túi xách từ bao nilon cũ

TP HCMTừ những chiếc túi nilon đã qua sử dụng, Kim Hằng cắt nhỏ, se thành sợi rồi dệt nên những tấm vải nilon, may thành túi xách, hộp bút.

Phạm Thị Kim Hằng, 26 tuổi ở quận Tân Phú, TP HCM là chủ cửa hàng kinh doanh sản phẩm hữu cơ do những người khiếm thị làm ra. Cô gái theo đuổi lối sống xanh nên cũng mong muốn những sản phẩm của mình có có thể giúp mọi người dễ tiếp cận và thay đổi thói quen giảm thiểu rác thải.

Từ đợt dịch năm vì ngoái, thấy mọi người thường đặt đồ online và nhận về nhiều loại túi nilon, Hằng trăn trở tìm cách tái chế loại nilon khó phân hủy này.

"Bao nilon có nhiều mà màu sắc bắt mắt, không thấm nước và rất bền. Nếu có thể tái chế thì sẽ giảm thiểu được một số lượng rác thải lớn", Hằng nói.

Sau khi gom được một số lượng bao nilon cũ, Hằng giặt sạch, phơi khô rồi cắt thành từng sợi, cuốn thành cuộn chỉ nilon dài. Những cuộn chỉ sẽ được dệt thành tấm vải nilon bằng một khung dệt mini.

Những tấm vải sẽ được ép phẳng, vắt sổ rồi cắt thành từng miếng với kích thước phù hợp để may túi xánh, hộp bút...

Ban đầu, Hằng nối những sợi nilon với màu sắc theo quy luật. Nhưng vì phải để ý lựa màu nên mất thời gian và hay quên nên Hằng chuyển sang nối ngẫu nhiên. Một sợi chỉ đủ màu sắc khi dệt thành tấm vải lại cho sản phẩm đẹp, giống họa tiết thổ cẩm.

Ngoài sợi nilon, Hằng còn dệt xen kẽ với sợi chỉ cotton để sản phẩm bền hơn.

"Dù rất muốn tận dụng được nhiều nilon để làm túi, nhưng sản phẩm tái chế cần có độ bền, đẹp. Nếu tái chế mà chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn thì lại thải ra môi trường thêm rác", Hằng chia sẻ.

Hằng và bạn bè cũng chia sẻ những chương trình đổi túi nilon lấy quà trên mạng xã hội để gom nguyên liệu. Tuy nhiên, cô gái không nhận túi nilon tự hủy vì loại này sẽ tự mục sau một thời gian.

Chiếc túi nilon chỉ sử dụng một vật liệu mới là khóa kéo. Còn lại, Hằng dùng vải từ quần áo, bao gối cũ dùng để may lớp lót, vải rèm cửa bỏ đi dùng may quai xách.

Không chỉ may túi xách thời trang, Hằng còn thử ứng dụng làm thêm nhiều sản phẩm khác như túi đựng đồ trang điểm.

Những mảnh vải nilon nhỏ hơn sẽ được dùng may hộp bút. Tất cả những mảnh vải được cắt ra từ tấm vải lớn đều được tính toán kỹ để tận dụng được nhiều nhất.

Những phần vụn vải không thể sử dụng trong quá trình làm sẽ được Hằng gom lại để nhét vào chai nhựa cũ làm gạch sinh thái.

Kim Hằng quan niệm, tuy là sản phẩm tái chế nhưng phải hợp thời trang, công năng sử dụng tốt.

"Mình trân trọng mọi người đã giữ lại túi nilon và mang đến cho tụi mình tái chế, giúp kéo dài thêm vòng đời của chúng. Hy vọng những sản phẩm này khi đến được tay ai đó sẽ là công cụ để lan tỏa thêm cho nhiều người có thói quen không sử dụng nhựa một lần", Hằng chia sẻ.

Diệp Phan
Ảnh: Nhân vật cung cấp