* Trận Inter - AC Milan diễn ra lúc 1h45 ngày 16/10, theo giờ Hà Nội.
Marco Van Basten, huyền thoại của AC Milan, cho rằng ảnh hưởng của giới chủ Trung Quốc "thật khó chấp nhận". Dẫu vậy, cả hai đội bóng Italy không có lựa chọn nào khác, nếu muốn phục sinh.
Silvio Berlusconi và Massimo Moratti là những Chủ tịch tuyệt vời trong những năm 1990. Nhưng bây giờ, cả hai CLB đều trong giai đoạn suy thoái. Dòng tiền ào ạt từ phương Đông có thể là lối tắt ngắn nhất, giúp Inter và AC Milan nhanh chóng trở lại với sân khấu chính ở châu Âu.

Cả Milan lẫn Inter hiện thuộc sở hữu của các ông chủ Trung Quốc.
Van Basten có lẽ đã quên ngày Berlusconi ra mắt tại San Siro. Ông trùm tài phiệt bước xuống từ chiếc trực thăng giữa sân vận động, và cũng từng nhận chỉ trích là "rất khó nuốt" với cách làm màu như vậy. Nhưng sau đó, khi Berlusconi chi tiền tấn mang về ba ngôi sao hàng đầu Hà Lan, gồm Van Basten, Ruud Gullit và Frank Rijkaard, và đưa Milan vào thời kỳ huy hoàng nhất lịch sử, ông lại được ca ngợi như một nhà cách tân, tạo ra chuẩn mực mới cho giới chủ bóng đá: giúp đội bóng phát triển bằng những ngôi sao đắt tiền, giống Chelsea, Man City hay PSG sau này.
Tập đoàn Tô Ninh, ông chủ Inter, và Sport Investment Lux, nhóm đầu tư tiếp quản AC Milan, xuất hiện có phần ít ồn ào hơn, nhưng cách họ bắt tay dự án ở Milano thì quyết liệt không kém. Sự quyết liệt ấy là điều mà Inter và AC Milan cần, nếu nhìn lại chặng đường đã qua, kể từ đầu thập niên này. Trong khi danh hiệu cuối cùng của AC Milan đến vào năm 2011, thì Inter đã rơi vào kỳ thoái trào ngay sau cú ăn ba nổi tiếng năm 2010. Ngày ấy, AC Milan đứng thứ bảy trong danh sách các đội giàu nhất thế giới do hãng Deloitte công bố, Inter kém một bậc, đứng thứ tám. Còn hiện tại, cả hai tụt 10 bậc. AC Milan rơi xuống thứ 16, và Inter thứ 19.
Mùa gần nhất, hai đại diện thành Milano cùng kết thúc mùa giải trong Top 3 Serie A là mùa 2012-2013. Trong năm mùa gần nhất, AC Milan thay tới sáu HLV. Con số này với Inter là năm. Mùa trước, Inter thậm chí sa thải tới ba HLV là Roberto Mancini, Frank De Boer và Stefano Pioli. Nhưng chừng ấy không ngăn nổi đà xuống dốc của hai đội, nhất là trong khía cạnh làm kinh tế. AC Milan và Inter giảm doanh thu lần lượt là 16% và 27%, tính từ năm 2010.


San Siro sôi động trong những trận derby.
Nhà báo người Italy, Luca Taidell lý giải cho sự sa sút của thành Milano như sau: "Năm 2010, khi Inter giành mọi thứ và ở trên đỉnh châu Âu, họ không biết tận dụng lợi thế để làm ăn. Điều ấy thể hiện rất rõ khi tới sân San Siro. Một chiếc áo đấu chính hãng được bày bán trong cửa hiệu, với giá hơn 140 đôla, nhưng cách đó không xa, một chiếc áo không rõ nguồn gốc, giống y xì, được rao với giá chỉ 30 đôla. Tôi không thể tưởng tượng nổi, điều này có thể xảy ra".
Sự thay đổi cấu trúc thượng tầng là yêu cầu tất yếu cho cả hai đội. Roberto Baggio, người khoác áo cả AC Milan lẫn Inter, và từng giành Quả Bóng Vàng châu Âu, ý thức rõ nhất điều cấp bách này. "Đuôi ngựa Thần thánh" đề cao sự đầu tư của những người Trung Quốc, và rằng họ "có đủ tiềm lực để đưa hai đội bóng thành Milano trở lại đỉnh thế giới". Inter đã đầu tư một đội hình đủ sức tranh scudetto từ mùa trước. AC Milan làm điều tương tự mùa này, và nhờ đó, trận derby della Madonnina cuối tuần này có thêm nhiều cảm xúc.

CĐV Milan muốn đội bóng trở lại thời hoàng kim của Berlusconi
Inter và AC Milan vẫn có thể làm nên những trận derby khốc liệt, như trận hòa không bàn thắng giữa hai đội tháng 4/2015 - một trận cầu thừa kịch tính, nhiều diễn biến hấp dẫn và có không khí của một trận derby giàu truyền thống bậc nhất thế giới. Nhưng tâm trạng chung của những người yêu mến Milan và Inter, đa phần là ảm đạm. Họ có thể chơi hay trong một hoặc vài trận cụ thể, nhưng tương lai của hai thế lực hàng đầu Italy vẫn cách rất xa Juventus, đội đã và sắp giành Scudetto thứ tư liên tiếp vào thời điểm ấy. Những vinh quang ở châu Âu càng trở nên xa xỉ, khi mà những cầu thủ, sau khi có chỗ đứng tại thành Milano, đều nhanh chóng rời Italy, chấp nhận đầu quân cho những đội bóng bậc trung của Ngoại hạng Anh.
Nhưng giờ nỗi buồn ấy không còn nữa, thay vào đó là niềm vui và sự tự hào. Hai đại diện thành Milan có thể tự tin với dàn sao sẽ bước ra San Siro hôm nay 15/10, gồm Mauro Icardi, Ivan Perisic, Joao Mario, Andre Silva, Donnarumma, Leonardo Bonucci... Mỗi cái tên trong số này có giá không dưới 50 triệu đôla, và nó giúp cả Milan lẫn Inter không chỉ đủ sức đua vô địch Serie A, mà còn mang trở lại hy vọng vẫy vùng tại châu Âu.
60.000 khán giả đã tới San Siro cổ vũ AC Milan chơi vòng loại Europa League. Với Inter, con số ấy là 50.000. Rõ ràng niềm vui đang trở lại với hai nửa thành Milan nói riêng và bóng đá Italy nói chung. Serie A đang trở lại, trước mắt là chiếm vị trí thứ ba của Bundesliga trên bảng xếp hạng của UEFA. Hơn lúc nào hết, họ cần một Juventus duy trì được sức mạnh và hai CLB thành Milano cải thiện sức cạnh tranh tại đấu trường châu lục, điều mà những đại diện miền Nam, như Napoli hay AS Roma chưa làm được trong suốt một thập niên vừa qua.
Thất bại của bóng đá Italy những năm qua, một phần đến từ phản ứng tiêu cực với những thay đổi. Các ông chủ Trung Quốc chưa bao giờ được chào đón bằng thái độ tích cực, dù họ mang sứ mệnh thức tỉnh hai gã khổng lồ trong quá khứ. Thời gian tổ chức trận Derby della Madonnina năm nay cũng khiến nhiều người hoài niệm. Nó diễn ra vào buổi tối, thời điểm mà pháo sáng luôn bừng cháy ở San Siro những năm 1990.
Điều mà các Milanista và Interista chờ đợi, không chỉ là không khí lễ hội ở một trận derby, mà trên hết là tầm nhìn của giới chủ. Trương Cận Đông, Chủ tịch Tập đoàn Tô Ninh, phần nào làm người hâm mộ yên tâm, khi nêu ý tưởng giảm sức chứa của San Siro, từ 80.000 chỗ (lớn thứ năm châu Âu) xuống còn 55.000. Không gian lấy lại được sử dụng để xây dựng những tiện ích cho CĐV khi đến xem bóng đá.

Đường phố Milano rực rỡ sắc màu derby từ cả tuần trước thời điểm bóng lăn.
Một thông báo từ văn phòng Thị trưởng Milano tuần trước cho biết, lãnh đạo thành phố đã đạt thỏa thuận với cả hai CLB về việc đầu tư xây dựng lại sân vận động. Đây là một động thái có tính lịch sử, bởi San Siro vẫn thuộc sở hữu của Hội đồng thành phố, và thực tế này tưởng chừng bóp nghẹt tham vọng của giới chủ châu Á. Nhưng lần đầu tiên trong hơn 100 năm lịch sử, AC Milan và Inter đứng chung chiến tuyến trong việc đảm bảo lợi ích cho CLB, khi tạo áp lực phải thay đổi lên chính quyền.
Van Basten có thể đã cho rằng "hai đội bóng tuyệt vời ấy vẫn nên thuộc quyền sở hữu của người Italy", nhưng quan điểm ấy có vẻ đã lạc hậu. Chẳng có gì sai khi giúp trận Derby della Madonnina trở lại với đẳng cấp và dáng dấp của nó.
Túi tiền có thể đến từ viễn Đông, nhưng phong cách và sự hoành tráng vẫn mang hơi thở thành Milan.
Thắng Nguyễn tổng hợp