Chính quyền thành phố cần giải quyết triệt để vấn đề này: kiên quyết không cho đỗ xe máy, xe ôtô trên vỉa hè, không cho bán buôn lấn chiếm vỉa hè. Như vậy, vỉa hè rộng thoáng cho người đi bộ, người dân muốn đi tới các cửa tiệm mua hàng trong phạm vi vài ba km cũng sẽ không dùng xe máy (vì rất khó tìm chỗ đỗ xe) mà sẽ phát sinh nhu cầu đi bộ. Nói chung điều này sẽ tạo tâm lý ngại sử dụng xe cá nhân kể cả ôtô và xe máy mà người dân sẽ chuyển sang sử dụng xe công cộng và đi bộ. (nếu làm triệt để theo tôi có thể giảm được khoảng 30-40% nhu cầu đi lại trên đường phố).
Chúng ta đã nhận thấy rõ ràng, rằng người Việt nam rất lười đi bộ và có văn hóa “tiện”. Đi từ 200m trở lên vẫn có nhiều người chạy xe máy. Khi mua hàng bên đường họ thường ngồi trên xe mặc cả, mua bán.
Người Việt cũng có thói quen sử dụng vỉa hè, thậm chí lòng đường làm nơi buôn bán. Đó là những thói quen rất tệ hại góp phần rất lớn vào ách tắc giao thông trên đường phố. Do vậy, việc dọn sạch vỉa hè là việc làm hết sức cần thiết trong công cuộc giải phóng lòng đường hiện nay.
Để làm được điều này, chính quyền TP HCM phải có kế hoạch thực hiện đồng bộ, căn cứ trên nguyên tắc: vỉa hè là không gian cộng cộng do nhà nước quản lý, không là không gian riêng tư của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào. Do vậy, vỉa hè phải được để thông thoáng phục vụ cho người dân đi bộ, tránh tai nạn vì người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Trước hết, các nhà chức trách phải có văn bản thông báo rõ cho toàn dân thời điểm bắt đầu thực hiện việc cấm tuyệt đối đỗ các loại xe và buôn bán trên vỉa hè, dưới lòng đường ( ngoại trừ một số chỗ được đậu xe bên lề đường) trước 3 tháng, sau đó thực hiện thí điểm ở một quận trung tâm trong khoảng 1-3 tháng , trên cơ sở đó tổ chức rút kinh nghiệm để thực hiện các quận khác.
Song song với đó, thành phố cũng cần quy hoạch các khu đỗ xe hợp lý, nhiều tầng với các khoảng từ khu nọ đến khu kia trong vòng 3- 4 km (Tôi cho rằng, người dân đi bộ trong khoảng cách 2 km là hoàn toàn hợp lý). Cũng tương tư như vậy, TP cũng cần quy hoạch những tuyến phố ngắn dưới 0,5 km, cách nhau cũng trong phạm vi 3- 4 km để làm tuyến phố buôn bán cho mọi người có nhu cầu bán hàng rong, bán quà vặt, bán đồng nát...
Trên tất cả các tuyến đường còn lại, các cửa hiệu muốn buôn bán thì cần giải quyết chỗ đỗ xe cho khách hàng mà không được chiếm vỉa hè, trên nguyên tắc phải tạo riêng không gian bên trong diện tích cửa hiệu cho việc đỗ xe của khách hàng, hoặc chỉ bán hàng cho những người đi bộ. Tuyệt đối cấm khách hàng đậu xe trên vỉa vè hay lòng đường (ngoại trừ những nơi được cho phép).
Lực lượng thực hiện nhiệm vụ này: gồm cảnh sát trât tự, thanh niên xung phong, thanh tra giao thông. Ngoài ra, cảnh sát 113 túc trực để phòng gây rối, chống đối. Gắn các camera theo dõi trên những tuyến phố khả năng vi phạm cao để thường xuyên theo dõi xử lý.
Biện pháp này phải làm quyết liệt, nghiêm túc, không được đánh trống bỏ dùi, phải kiên trì làm đồng bộ kết hợp giữa thuyết phục và cưỡng chế. Tổ chức thực hiện nghiệm túc trong khoảng 6 tháng đầu tiên và sau đó duy trì thường xuyên trong vòng vài năm để cho thành nếp và hình thành thói quen đi bộ của mọi người dân khi có các nhu cầu mua sắm vặt, vui chơi, giải trí, ăn uống trong khoảng cách quảng đường 2-3km.
Phan Quốc Thọ