![]() |
Ngày 21/9 vẫn nhiều người đến với khu vườn kỳ lạ. |
Theo đó, địa phương sẽ tác động, tuyên truyền cho người dân từ nơi khác tới hiểu rõ khu vườn không có tác dụng chữa khỏi bệnh, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền bệnh tật do tập trung quá đông người bệnh.
Trong thời gian bảy ngày, sau khi địa phương làm công tác tuyên truyền, giải thích người dân phải tự thu xếp để trở về địa phương, nếu ai còn tiếp tục ở lại thì phải đăng ký tạm trú tạm vắng với địa phương. Đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống, cho thuê nghỉ trọ, vận chuyển hành khách thì buộc phải tự sắp xếp và đăng ký kinh doanh. Trường hợp nào không đảm bảo an tòan vệ sinh, an ninh trật tự và kinh tế xã hội sẽ bị xử lý kiên quyết. Theo ông Dương Quốc Xuân, chủ tịch UBND tỉnh Long An, tỉnh làm kiên quyết nhưng biện pháp cũng hết sức nhẹ nhàng, không phải vì kết luận này mà tỉnh làm khó dễ bà con từ phương xa đến.
Ông Xuân cũng cho biết, nguồn gốc của khu vườn xuất phát từ hoạt động mê tín dị đoan của cô Nguyễn Thị Kim Hồng. Cô này tự xưng là “thiên sứ giáng phàm” để cứu nhân độ thế. Ngoài việc thu tiền chữa bệnh, trong nhà Hồng còn đặt thùng quyên góp tiền. Tháng 6/2003, Nguyễn Thị Kim Hồng đã bị Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt 12 tháng tù giam về tội hành nghề mê tín dị đoan. Sau khi mãn hạn tù một thời gian, được sự giúp sức của một số đối tượng khác, Nguyễn Thị Kim Hồng tung tin rằng cô ta có khả năng phát sáng.
Chuyện phát sáng đã được các nhà khoa học chứng minh chỉ là hiện tượng vật lý bình thường. Song chuyện hết sức vô lý như vậy lại được một vài phương tiện thông tin cổ vũ và tạo thành một hiệu ứng xã hội xấu kéo dài cho đến bây giờ. Địa phương và các bộ ngành trung ương phải mất nhiều công sức và tiền bạc cho vụ này. Chi phí để các đoàn nghiên cứu về khu vườn đã lên đến hàng tỷ đồng, đó là chưa kể chi phí của địa phương.
"Đối với những người lợi dụng tự do tín ngưỡng, lợi dụng lòng tin của nhân dân để làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, trục lợi thì ngành công an sẽ có biện pháp xử lý nghiêm", ông Xuân khẳng định.
(Theo Tuổi Trẻ)