Kính mắt thường có chức năng chính là dùng để đeo cho người cận thị, loạn thị hoặc thời trang, chống nắng, còn các thiết bị nghe nhạc được thiết kế và sử dụng riêng biệt. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện những sản phẩm kết hợp 2 tính năng vừa nghe nhạc, vừa để đeo mắt bằng cách gắn loa vào kính.
Đây là sản phẩm mới, tích hợp khả năng nghe nhạc để tăng tính đa dụng trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc sử dụng như vậy có thể gây mất tập trung và bị xử phạt khi tham gia giao thông.
Theo Điểm c, Khoản 3, Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định những hành vi bị cấm đối với người điều khiển xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy là sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Như vậy, người điều khiển xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy không được dùng "thiết bị âm thanh" khi tham gia giao thông. Pháp luật về giao thông đường bộ hiện sử dụng khái niệm "thiết bị âm thanh", nên có thể hiểu không chỉ là tai nghe mà còn là các thiết bị khác phát ra âm thanh có thể gây mất tập trung, mất sự chú ý khi tham gia giao thông.
Ngoài các phương tiện trên, Điều 31 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác cũng không được dùng thiết bị âm thanh.
Theo Điểm h, Khoản 4, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi từ Điểm g, Khoản 34, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) có quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi sử dụng thiết bị âm thanh khi di chuyển.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội