![]() |
Người đi đường thường phải hứng khói từ các quán ăn lề đường. Ảnh: Thuận An. |
Ban đầu, cả nhà chị đều rất vui khi thuê được ngôi nhà 3 tầng với giá phải chăng trong ngõ nhỏ. Nhưng hôm trước đến, sáng hôm sau, cả nhà đã bị đánh thức sớm bởi luồng khói mù mịt cay nồng từ nhà hàng xóm. Thời gian đó, chị Bích đang có thai, mỗi lần ngửi mùi than là chị thấy ngạt thở, đau đầu, có khi buồn nôn, choáng váng. Gia đình chị góp ý, nhưng bác láng giềng chỉ cười xòa rồi đâu vẫn vào đấy. Mới đến, ngại va chạm, nên chị chọn giải pháp an toàn là sáng đi làm thật sớm và chiều "lánh nạn" ở nhà người bà con rồi mới về nhà.
Nhưng từ khi chị sinh, em bé lại là người phải hứng chịu cảnh này nhiều nhất. Vốn lúc sinh đã nhẹ cân, hơi yếu, con bé rất mẫn cảm với hơi khói và liên tục ho, hen. Anh chị đang tính chuyển nhà bởi lo cho sức khỏe con gái, bố mẹ già nhưng chưa làm được, phần vì ít thời gian, phần vì tiền nong cũng không dư dả.
Cùng cảnh với chị Bích, chị Giang ở Nguyễn Công Trứ, Hà Nội lại phải hít khói từ quán bún chả đầu phố. Ngày nào, những người trong quán cũng mang than hoa ra hẳn ngoài đường quạt chả, khiến khói mù mịt khắp ngõ. Không chỉ gia đình chị Giang mà cả khu phố và người qua đường phải hít khói no phổi thứ khí cháy khét lẹt của mỡ nướng cháy. Hôm gió to, những gia đình xung quanh chỉ còn nước đóng chặt cửa ngồi trong nhà nhưng cũng chẳng thoát được.
"Mình cứ như bị 'khói ám', đi đâu cũng gặp phải, từ quán lẩu dê, quán vịt quay trên đường Láng, quán chả nướng trên đường đê La Thành, rồi ngay cả đi làm qua phố Ngọc Khánh cũng 'dính'. Nơi nơi hun khói, sợ quá!", chị Giang than thở với đám bạn bè.
Theo một kết quả điều tra mới đây của Sở Y tế Hà Nội, cứ 10 gia đình thì hơn 7 nhà có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí. Các bệnh có tỷ lệ mắc cao là tai mũi họng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm phổi, viêm phế quản, bệnh ngoài da, bệnh về mắt. Bên cạnh nguồn khí thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và các phương tiện giao thông, khói do sinh hoạt như từ bếp than tổ ong, than quạt chả cũng chính là thủ phạm gây nên một số bệnh này.
Theo ông Nguyễn Duy Bảo, Phó viện Trưởng Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường, các khí than đều chứa chất carbon nên có hại cho sức khỏe con người. Than hoa (thường dùng quạt chả) có nguồn gốc từ củi, nên chất độc hại ít hơn. Còn các loại chất đốt được làm từ than mỏ (như than tổ ong) ngoài cacbon còn chứa tỷ lệ lưu huỳnh rất lớn, khi cháy tạo khí SO2, rất độc.
Đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là phụ nữ, trẻ nhỏ và người già. Bởi những người này sức đề kháng kém, lại rất nhạy cảm với khí độc. Phụ nữ có mang dễ bị suy nhược cơ thể, mệt mỏi, đau đầu, nếu tiếp xúc thường xuyên với nồng độ mạnh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Trẻ em hít khí này nhiều thường dễ mắc ho hen và suy yếu chức năng miễn dịch. Ở những người già thường xuyên tiếp xúc với khí độc này tỷ lệ tử vong cao hơn. Tiếp xúc với khí thải ở nồng độ càng cao, với mức độ thường xuyên thì mức ảnh hưởng càng nhanh và rõ, ngay cả với người khỏe mạnh.
"Ngoài việc tránh tiếp xúc trực tiếp, không có cách nào giảm được tác hại của các loại khí độc do đốt than, đeo khẩu trang cũng vô ích", ông Bảo nói. Theo ông, nếu chưa có đủ điều kiện kinh tế thay thế bếp than tổ ong, các gia đình nên nhóm bếp nơi thoáng gió, quây ống quanh bếp để khói bay lên cao, làm loãng nồng độ độc hại.
Ông Hoàng Minh Đạo, Vụ phó Vụ Môi trường Bộ Tài nguyên môi trường, cho biết, khói khí than không chỉ gây ô nhiễm khu dân cư mà còn là một trong những nguồn góp phần tăng hiệu ứng nhà kính. Hiện nay, Cục bảo vệ môi trường khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các hình thức đun khác để tránh gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe như dùng bếp điện, ga.
"Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 500 ngàn đồng đối với hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép vào môi trường dưới hai lần, thải mùi hôi thối, khó chịu trực tiếp vào môi trường không qua thiết bị hạn chế ô nhiễm". (Nghị định 81 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) |
Theo ông Đạo, nếu trong khu dân cư có gia đình, quán ăn sử dụng bếp than tổ ong, quạt chả, ảnh hưởng đến xung quanh thì nên giải quyết nội bộ, nhắc nhở, bàn bạc với nhau để tìm biện pháp dung hòa. Nếu không thỏa đáng, người dân có thể khiếu nại với cán bộ địa chính môi trường (cấp phường) hay lên phòng tài nguyên môi trường (cấp quận) hoặc các sở tài nguyên môi trường để giải quyết. Nhưng ông Đạo thừa nhận thường thì lên các cấp này cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hòa giải, cùng lắm mới xử phạt hành chính.
Thực tế việc này vẫn chưa được các cấp chức năng quan tâm đúng mức. Theo ý kiến ông Đạo, khói than thường chỉ ảnh hưởng đến số ít hộ gia đình, hơn nữa, lại không phải là nguồn chính gây ô nhiễm không khí như các xí nghiệp sản xuất hay phương tiện giao thông nên chưa có hệ thống quan trắc đo nồng độ độc hại cũng như có biện pháp xử lý thích đáng.
Minh Thùy