TV Plasma Hitachi 42" 42PD7300TA giá 33,7 triệu đồng. Ảnh: Audiohoanghai. |
Với ngân sách 20 triệu đồng, giờ đây các "thượng đế" "thừa sức" sắm được một mẫu TV hi-tech được coi là cỡ lớn, tức khoảng 37 inch. LG hiện phát giá mới cho model 37LC2 (37") với giá chỉ còn 18 triệu đồng. Trong khi đó một TV Samsung Bordeaux 37" hay chiếc Regza cùng cỡ của Toshiba tầm giá chỉ 22 triệu đồng.
Các bài liên quan |
*Quan niệm sai lầm về TV Plasma |
*LCD giá nào cũng có |
*Phân biệt hai loại TV mỏng |
Nếu cần tầm TV lớn hơn, từ 42 trở lên, người dùng có thể lựa chọn một trong hai công nghệ cạnh tranh là LCD và Plasma. Các TV Plasma cho màu sắc rực rỡ nhưng bị phàn nàn về độ phân giải thấp hơn. Trước đây, LCD có giá bán cao hơn TV Plasma cùng cỡ. Tuy nhiên, với cơn lốc giảm giá vừa qua, Plasma mất đi nốt lợi thế giá cả cạnh tranh so với công nghệ đối thủ. Đơn cử, một TV Plasma 42" của Panasonic (TH-42PV60H) hiện có giá 32 triệu đồng trong khi TV LCD dòng Regza cùng cỡ 42WL66 của Toshiba cũng có mức tương tự. LG thậm chí còn phá giá dòng Time Machine 42", 42PC2RR, xuống 26,9 triệu đồng. Dòng Sonoma S8 46 inch của Samsung cách đây nửa năm giá không dưới 45 triệu đồng thì này chỉ còn 36,3 triệu đồng. Mặt khác, nếu thuộc nhóm muốn đón đầu công nghệ, thì chỉ cần dành dụm khoảng 40 triệu đồng là bạn đã sắm được một TV độ phân giải Full HD của tương lai, như LG 47LC1 (47").
TV LG Time Machine 42" có chức năng ghi video vào ổ cứng 80 GB giờ có giá 29,9 triệu đồng. |
Hiện nay, các TV LCD lớn nhất hiện có trên thị trường là vẫn tầm 65" của Sharp. Còn lại cỡ TV "kịch kim" của các hãng khác hiện là 52". Công nghệ Plasma trên thị trường vẫn có kích thước lớn hơn, đơn cử có TV 71", 71PY10 của LG. Tuy nhiên, đối với những màn hình kỷ lục này, chúng vẫn có một mức giá bán "trên trời" do tính chất "hàng độc", nên người tiêu dùng thu nhập trung bình chưa thế với tới.
TV máy chiếu cũng bị LCD và Plasma lấn lướt
Một chủng loại TV màn hình lớn thứ ba đang bị LCD/Plasma "vượt mặt" là TV máy chiếu. Các TV này đạt kích thước khá lớn, có thể lên tới 70", tuy nhiên, chúng có kiểu dáng hơi cồng kềnh chiếm dụng không gian lại khá nặng nề. Giá bán của loại TV này đã hạ, nhưng chậm chạp so với LCD nên bị công nghệ này áp sát. Đơn cử, một mẫu TV máy chiếu công nghệ 3LCD của Sony, chiếc KF-55E200A hiện có giá 45 triệu đồng bằng với mẫu LCD 46R7 (46") của Samsung, như vậy người dùng vẫn được lợi tới 9" đường chéo ứng với diện tích màn hình lớn hơn đáng kể.
Tuy nhiên, điều cần cân nhắc là ngoài việc chấp nhận kiểu dáng cồng kềnh không thể treo tường, một khi sắm TV máy chiếu người dùng còn phải dành ngân sách cho việc thay đèn chiếu định kỳ.
52M8, TV LCD 52" lớn nhất của Samsung vẫn có giá bán khá chảnh (79,5 triệu đồng) vì là dòng cao cấp đầu bảng của hãng. Ảnh: Dientuhaitau. |
Một trong những nguyên nhân để dòng TV mỏng màn hình lớn giá "mềm" hẳn đi là công nghệ sản xuất màn hình đã và đang phát triển đến thế hệ thứ 10 (G10) với kích thước tấm thủy tinh mẹ rất lớn, đạt 3,1 x 2,9 mét (so với thế hệ G8 triển khai năm 2005 là 2,16 x 2,4 m) giúp tạo ra được nhiều hơn các TV cỡ lớn với chi phí rẻ hơn. Mặt khác với cam kết AFTA vừa mới có hiệu lực thuế suất áp cho mặt hàng TV này giảm đáng kể cũng phần nào dẫn tới giá bán của TV màn hình lớn đột ngột hạ nhanh hơn cả chủng loại màn hình nhỏ như hiện nay.
T.B.