UBND TP HCM vừa xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp thành phố đối với 8 công trình. Trong đó, di tích lịch sử là Chùa Quán Thế Âm (quận Phú Nhuận), 7 di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: Đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên (quận 1); Viện Pasteur (quận 3), Hội quán Tam Sơn (quận 5), Chùa Giác Hải (quận 6) và 3 trường Lê Hồng Phong, Hồng Bàng (quận 5), Marie Curie (quận 3).
TP HCM nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ; trường hợp đặc biệt sử dụng đất ở khu di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Chủ tịch thành phố.
Đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên (quận 1) do Pháp xây dựng vào năm 1926 để tưởng niệm những người Việt đi lính cho Pháp chết trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Lúc đầu, đền có tên là Kỷ Niệm (Temple de Souvenir).
Sau năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam, đền được chuyển sang thành đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Trong đó, ngoài việc thờ vua Hùng, còn thờ một số nhân vật lịch sử khác như Trần Hưng Ðạo, Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau năm 1975, đền được đổi thành đền thờ Hùng Vương và giao cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam - TP HCM trực tiếp quản lý.
Đền thờ có lối kiến trúc gần giống như các đền ở Huế, với bộ mái chồng diêm, thêm một hàng hiên phía trước, tạo thành ba tầng mái cong. Các họa tiết trang trí có hình rồng và phượng theo thể cung đình. Bậc đá lên xuống các cửa, hai bên đều có đôi rồng chầu.
Trong đền, trên các bao lơn xung quanh có chạm khắc hình: hạc, lân, quy, phượng, tô đắp tinh xảo và sơn màu đỏ như son. Đền được chống đỡ bằng 12 cây gỗ mật màu đen bóng, đường kính khoảng 50 phân. Tất cả đều theo phong cách nghệ thuật thời nhà Nguyễn.
Bên phải Đền Hùng Vương có đặt một tượng voi đồng được cho là lớn nhất Việt Nam. Tượng nặng hơn ba tấn, cách tạo hình và nét chạm khắc khá mỹ thuật. Voi được đặt trên bệ làm bằng xi măng hình khối chữ nhật. Bốn mặt bệ, có gắn bốn miếng đồng lớn cũng hình chữ nhật.
Mỗi tuần, đền mở cửa cho khách đến thăm từ ngày thứ 3 đến ngày chủ nhật. Ðặc biệt, vào ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, ở đây có tổ chức lễ dâng hương và Lễ hội.
Hiện TP HCM có 164 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt (Dinh Độc lập); 58 di tích cấp quốc gia và 99 di tích cấp thành phố. Từ năm 2010, UBND TP HCM đã quyết định kiểm kê lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử 168 công trình, địa điểm và hiện có 52 công trình được hội đồng xét duyệt di tích thành phố thông qua đề nghị xếp hạng di tích, số còn lại đang tiếp tục khảo sát. |
Trung Sơn