Hàng năm cứ vào ngày 9/8 âm lịch, người dân Hải Phòng và khắp nơi đổ về Đồ Sơn để tham dự lễ hội chọi trâu sôi động. Đây là một lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của nền văn minh lúa nước miền châu thổ Bắc bộ gắn với tục thờ thủy thần và tục hiến sinh. Với người dân Đồ Sơn, lễ hội chọi trâu còn đề cao tinh thần thượng võ và tính nhân văn sâu sắc.
Ở Đồ Sơn, mỗi phường đều có đại diện tham gia chọi trâu. Để tìm được đại diện tốt nhất là những con trâu đực khỏe mạnh có khả năng chống chịu được đòn của đối phương thì ngay từ sau Tết Nguyên Đán, các phường đã phải đi tìm mua trâu chọi để về chăm sóc, huấn luyện cho đến ngày thi đấu.
Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch khi đến với Đồ Sơn, du khách đã được hòa trong bầu không khí lễ hội tưng bừng nơi đây. Trước hết là lễ dâng hương ngày 1/8 âm lịch tại đền Nghè ở phường Vạn Hương, đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương ở đảo Dấu để xin phép mở lễ hội Chọi Trâu và cầu mong thời tiết thuận lợi, các trận đấu diễn ra suôn sẻ, an toàn.
Trước hội chính 2 ngày cũng tại đền Nghè sẽ diễn ra lễ rước nước bởi đây là đền thờ vị thủy thần cũng là Thành hoàng làng của vùng đất Đồ Sơn. Trọng tâm của lễ rước nước là phong tục 16 chủ trâu chiến thắng trong vòng loại của 7 phường sẽ tiến hành rước kiệu, làm lễ xin nước từ nguồn nước ở Suối Rồng về đình làng của mỗi phường. Từ đó, trâu chọi sẽ chính thức được tôn gọi là "Ông Trâu". Lễ rước nước là nghi lễ tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với vị thủy thần hộ mệnh Hùng Trấn điểm tước cùng các bậc tổ tiên đã có công khai hoang bờ cõi.
Trước ngày 9/8, lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho lễ hội Chọi trâu cũng sẽ diễn ra ở Đồ Sơn. Tại đây, du khách sẽ được chứng kiến nghi lễ rước đuốc, đèn của 8 vạn chài quanh vùng qua các tráng đinh được tuyển lựa. Sau đó là chương trình sân khấu hóa mang tính sử thi hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm diễn viên của thành phố.
Ngay từ sáng sớm ngày chính hội tức 9/8 âm lịch, các trục đường từ trung tâm quận dẫn tới sân vận động Đồ Sơn, nơi diễn ra vòng chung kết thường rất đông vui nhộn nhịp. Tiếng trống tiếng kèn giục giã sẽ cuốn bạn vào dòng người trẩy hội ở đây. Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng gồm hai phần lễ và hội. Sau màn dâng hương là lễ rước các "Ông Trâu" đi trình Thành hoàng làng và ra sới với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, rộn ràng trong tiếng nhạc bát âm.
Sau phần lễ là phần hội với những lời ca điệu múa nhịp nhàng hòa quyện cùng tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã. Không chỉ giúp bầu không khí thêm sôi động mà tiếng trống, tiếng chiêng còn giúp thúc giục các “Ông Trâu” thi đấu thêm hăng say và quyết liệt. Khi hiệu lệnh được phát ra cũng là lúc các “Ông Trâu” chính thức tham gia màn đo tài nảy lửa.
Trâu chọi thi đấu theo từng cặp nên để thắng cuộc trong lễ hội chọi trâu năm nay, các Ông Trâu sẽ phải trải qua 15 kháp chọi với các miếng đánh độc và hiểm để nhanh chóng hạ gục đối phương. Bên cạnh bầu không khí sôi sục, hò reo cổ vũ của hàng vạn khán giả trên sân, bạn còn được sống trong cảm xúc thăng hoa vì được tận mắt chứng kiến những pha đánh ngoạn mục và đẹp mắt khi tham gia lễ hội. Điểm đặc biệt là dù trâu thắng hay thua, kết thúc lễ hội đều phải được hóa sinh để tế lễ đất trời và cầu cho mùa màng thuận hòa. Nhiều người tin rằng được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội sẽ gặp nhiều may mắn.
Năm nay, Hải Phòng là trung tâm tổ chức các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 mà lễ hội Chọi Trâu là một trong những hoạt động chính.
Kim Anh