Khi một chiếc xe đâm vào vật bên đường ở giao lộ, nhiều khả năng đồ vật đó là cột đèn giao thông. Tuy nhiên, với thiết kế cột đèn mới có thể hấp thụ năng lượng, nguy cơ tử vong hay bị thương sẽ giảm đi đáng kể.
Đèn giao thông truyền thống tương đối cứng và không oằn, vì vậy va chạm với cột đèn có thể gây nguy hiểm cho lái xe. Ngoài ra, nếu cột đèn bị tách khỏi trụ do lực va chạm quá mạnh, nó có thể đổ lên người đi bộ gần đó. Toàn bộ cột đèn bị hư hỏng sẽ cần thay thế. Dữ liệu gần đây cho thấy ở Australia, va chạm với cột đèn giao thông mỗi năm tiêu tốn 18,5 triệu USD với ca tử vong, 53,7 triệu USD với ca thương tích và 16 triệu USD chi phí sửa chữa, lắp đặt vào bảo trì, theo tiến sĩ Mohammad Uddin ở Đại học Nam Australia.
Khi cân nhắc những con số đó, Uddin và cộng sự hợp tác với công ty Impact Absorbing Systems để tạo ra cột đèn giao thông hấp thụ động lực. Các cột đèn này sẽ tích hợp hệ thống đã được sử dụng trước đó trong cọc buộc tàu bằng thép hấp thụ năng lượng.
Trong hệ thống đó, phần đáy của mỗi cọc nằm bên trong một khoang rỗng đặt trong móng bê tông của cọc. Khoang đó có hình nón với đường kính tương đương cọc nhưng rộng hơn ở đỉnh, tạo thành khoảng trống giữa cọc và lớp bê tông. Khoảng trống này chứa đầy bọt polyurethane, giữ cho cọc thẳng đứng cho tới khi bị xe đâm trúng.
Khi tai nạn xảy ra, lớp bọt bị nén lại trong quá trình hấp thụ lực tác động, cho phép cọc nghiêng về một bên mà không bị gãy. Công ty Impact Absorbing Systems cho biết kết quả là tài xế và chiếc xe chịu ít lực tác động hơn và cọc ít bị hư hỏng hơn.
Công nghệ tương tự đang được mở rộng để sử dụng cho cột đèn giao thông. Các nhà nghiên cứu hy vọng cột đèn mới có thể sẵn sàng sử dụng trong năm nay và sớm trở thành mô hình tiêu chuẩn, thay thế dần cột đèn thông thường trong tương lai, theo Uddin.
An Khang (Theo New Atlas)