Khoản 1 Điều 10 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người tham gia giao thông đường bộ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành báo hiệu đường bộ và các quy tắc giao thông đường bộ khác.
Khoản 1, 2 Điều 11 Luật này quy định báo hiệu đường bộ bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
Về đèn tín hiệu, tín hiệu đèn màu xanh là được đi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa khi đèn xanh, người tham gia giao thông có quyền không đi bởi khoản 21 Điều 9 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nói trên nghiêm cấm người tham gia giao thông có hành vi cản trở người, phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ. Việc dừng xe khi đèn xanh dù cố ý hay vô ý đều là cản trở giao thông.
Về chế tài, trường hợp người điều khiển phương tiện cố tình không di chuyển khi đèn xanh, gây ùn tắc, cản trở các phương tiện phía sau, thì có thể bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, Nghị định 168/2024/NĐ-CP) về hành vi không tuân thủ hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc tín hiệu giao thông, hoặc gây cản trở giao thông.
Mức phạt tiền cụ thể: Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến một triệu đồng (theo điểm e khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Luật sư Nguyễn Thị Phương Hoa
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội