Du lịch Tết “bội thu”, nhưng vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp như xả rác ở nơi công cộng, không tuân thủ nội quy chốn tôn nghiêm.
Chùa, đền, phủ
Những ngày đầu năm, các điểm du lịch tâm linh ở nhiều tỉnh thành đều đông kín khách do nhu cầu đi lễ chùa cầu may mắn hoặc xin chữ.
Ở Hà Nội, từ sáng mùng 1 Tết, các chùa nổi tiếng như Trấn Quốc, Quán Thánh đón hàng nghìn lượt khách. Cao điểm tại đền Ngọc Sơn là từ 10h đến 16h khiến cầu Thê Húc và bên trong đền gặp tình trạng chật cứng người, nhiều đoàn khách phải xếp hàng từ ngoài hồ Gươm, nhích từng chút một đợi đến lượt vào.
Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Hoằng Pháp ở TP HCM cũng luôn kín khách trong 3 ngày đầu năm Đinh Dậu, trong đó có nhiều du khách nước ngoài tìm hiểu văn hóa Tết cổ truyền của người Việt.
Tại vùng đất tâm linh Bảy Núi (An Giang), du khách khắp nơi đổ về xin lộc đầu năm ở miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam gây kẹt xe ở khu vực núi Sam. Gần phà Vàm Cống, xe nối đuôi thành hàng kéo dài 2 – 3 km đợi đến lượt qua phà. Khu du lịch Núi Cấm ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, trong 4 ngày Tết đã đón gần 90.000 lượt khách hành hương.
Chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) cũng là điểm du lịch hành hương nổi tiếng miền Trung hút khách dịp Tết này. Mùng 1, hàng chục nghìn khách đổ về đây tham quan, vãn cảnh, cầu may cho năm mới. Nhà chùa mở thêm nhiều điểm gửi xe máy tăng cường dịp Tết nhưng đều quá tải. Nhiều du khách phải để xe ở dưới chân núi để đi bộ quãng xa lên chùa.
Chùa Linh Quy Pháp Ấn (Lâm Đồng) đón lượng khách tăng đột biến trong hai ngày mùng 3 và 4 Tết, đặc biệt là các nhóm du khách trẻ. Một số hình ảnh không đẹp tại nơi này như khách mang giày dép vào trong chùa chính dù có biển thông báo để ở ngoài; rác ở nhiều nơi, các tiểu cảnh như cây xanh, non bộ bị xâm hại… khiến “cổng trời” mất đi vẻ tôn nghiêm.
Chùa Linh Quy Pháp ấn đông khách ngày Tết. Video: Ngô Đình Vinh.
Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh) từ mùng 2 đã có đông du khách. Nhiều đoạn đường lên núi thường xuyên có tình trạng ùn tắc kéo dài. Khách đi cáp treo cũng phải chờ đợi nhiều giờ mới được phục vụ. Mùng 4 Tết, thời tiết nắng nóng khiến du khách cảm thấy mệt mỏi, nhiều người tỏ ra chán nản. Thậm chí, nhiều người còn phải quay trở lại chân núi và kết thúc hành trình du xuân khi không thể vào được đến động Hương Tích.
Các thành phố biển cháy phòng
Do thời gian nghỉ Tết ngắn, thời tiết miền Nam nắng nóng nên nhiều người từ TP HCM và các tỉnh lân cận đã chọn biển Vũng Tàu để vui chơi, tắm biển và nghỉ dưỡng trong những ngày đầu năm Đinh Dậu. Từ mùng 2 Tết khu vực biển Vũng Tàu trở nên đông đúc khiến việc đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ khó khăn; giá phòng, các dịch vụ như thuê dù, bàn ghế… tăng gấp hai, ba ngày thường.
Chị Lê Hải Vân, chủ kinh doanh khách sạn Vũng Tàu cho biết, mùng 4 Tết là cao điểm, các khu vực đều hết phòng, phải từ chối khá nhiều khách. Các khu phố ẩm thực như Hoàng Hoa Thám, Đồ Chiểu... luôn quá tải, du khách chật vật tìm được quán ăn ưng ý nhưng phải chờ đợi rất lâu.
Ở Nha Trang, bãi biển trong thành phố không quá đông khách, nhưng các đảo như Hòn Tằm, Hòn Mun kín khách, tàu chạy liên tục, tăng chuyến. Các đơn vị lữ hành và cơ sở lưu trú phải linh hoạt bố trí chỗ ở từng ngày. Khách không ở cố định một khách sạn mà di chuyển đến nơi ở gần điểm tham quan trong lịch trình.
Các công viên, khu du lịch giải trí
Những điểm du lịch có phong cảnh đẹp, công viên hoặc hội hoa xuân thường được nhóm gia đình lựa chọn. Tại TP HCM, các khu du lịch như Suối Tiên, Đầm Sen, Thảo Cầm Viên với bay khinh khí cầu, thu hút đông khách.
Trong 3 ngày Tết Đinh Dậu, có khoảng 40.000 du khách đến với Sa Pa, trong đó du khách quốc tế có khoảng 5.000 người. Riêng trong ngày mùng 3 Tết, ở khu du lịch cáp treo Fansipan diễn ra Lễ hội Khèn – Hoa 2017, thu hút khoảng 10.000 du khách đến tham quan.
Thành phố hoa Đà Lạt và các điểm du lịch lân cận như Thung lũng tình yêu, thác Datanla, thác Prenn, thác Đam B’ri, Thiền viện Trúc Lâm, hồ Tuyền Lâm đông khách suốt từ mùng 2 đến mùng 5 Tết. Khu trung tâm thành phố và các cửa ngõ ra vào Đà lạt như đèo Prenn, Mimosa… đông nghẹt người và xe cộ. Hệ thống giao thông bị quá tải, ùn ứ chưa từng có. Đặc biệt, khu vực vòng xoay Bưu Điện Đà Lạt, đường Lê Đại Hành và Trần Quốc Toản bị nghẽn nhiều giờ, xe cộ phải nhích từng chút một.
Xu hướng “Tây ăn Tết ta” cũng có nhiều khởi sắc. Theo đại diện Saigontourist, đơn vị này phục vụ 33.000 lượt khách quốc tế đa quốc tịch, trong đó đông nhất là Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga, Mỹ... Chùm tour “Tây ăn Tết ta” đưa khách quốc tế khám phá không khí đón Tết độc đáo ở vùng sông nước miền Tây (ngày 23-30 Tết) và trải nghiệm sinh hoạt đặc trưng trong ngày Tết ở TP HCM (mùng 1-4 Tết).